Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản

Thứ ba, 12 Tháng 11 2019 09:08 (GMT+7)
Hiện nay tại Đồng bằng sông Cửu Long, việc sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã và đang phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Trong đó, phát triển loại hình doanh nghiệp liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao và phổ biến nhất ở đây.
Sản xuất cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Tháp. (Ảnh: K.V)
 
Theo đó, loại hình này thể hiện chủ yếu thông qua mô hình liên kết gắn với cánh đồng lớn. Trên cơ sở đó, đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất nông sản với sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo, doanh nghiệp tham gia và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.500 hợp tác xã nông -lâm -thủy sản, chiếm 11,8% cả nước và có 17.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 26,7% cả nước.
 
Các doanh nghiệp lớn đã đầu tư phát triển sản xuất và thực hiện liên kết bền vững với các hộ nông dân tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến và cho nhiều thành tựu quan trọng, nhất là công nghệ 4.0 đã bắt đầu được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực.
 
Được biết, ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đạt trên 3%/năm trong giai đoạn 2016-2018, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm), đóng góp 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp cả nước và 33,5% GDP chung vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2018, khu vực này tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,34 tỷ USD. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh. Xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước, 95% cá tra, 60% tôm và khoảng 65% trái cây.
 
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản với tám sản phẩm chủ lực. Đây là cơ hội, cũng là thách thức để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hướng tới xuất khẩu. Hiện tại, tỉnh Bến Tre đang tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng tất yếu phát triển chuỗi giá trị nông sản và xu hướng tiêu dùng sạch để chủ động, tự giác tham gia hợp tác sản xuất - liên kết chuỗi. Xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản bằng cách xác định quy mô phù hợp với từng sản phẩm tại các địa phương, số người sản xuất và năng lực doanh nghiệp.
 
Tại Long An, chính quyền và các ngành chức năng cũng đã nỗ lực đẩy mạnh quá trình liên kết giữa người sản xuất và các nhà chế biến, hệ thống phân phối để đưa nông sản vươn ra thị trường cả nước và xuất khẩu. Hiện tại, sản lượng nông sản của Long An đưa về tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.Hồ Chí Minh) thuộc diện nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 14% sản lượng nông sản tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện góp phần khuyến khích nông dân Long An đẩy mạnh sản xuất nông sản. Đặc biệt, chương trình đột phá ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Long An đã góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng được các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
 
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã góp phần giảm giá thành sản xuất, tạo được sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết, để tiêu thụ được sản phẩm thì nhà nông cần phải bảo đảm được ba tiêu chí cơ bản, đó là: đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn Viet GAP; phải có hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm đầu mối tiêu thụ; sản phẩm phải gọn, sạch, có bao bì, mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Chính nhờ thực hiện được ba tiêu chí nêu trên, trong thời gian qua, Long An đã ký kết được với các doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh hàng trăm hợp đồng tiêu thụ nông sản.
 
Có thể thấy, những năm gần đây, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cách làm để gắn kết việc sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Nông dân bắt đầu sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo các Quyết định 80/2002/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản theo hợp đồng; Quyết định số 62/2013/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
 
Từ các chủ trương, chính sách trên, nhiều địa phương như Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long… đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu. Công tác xúc tiến liên kết, phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các mô hình liên kết, tổ hợp tác được triển khai rộng khắp đã làm thay đổi nhận thức của nông dân trong hợp tác sản xuất.
 
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với các đối tác
các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: K.V)
 
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, có trụ sở tại tỉnh Trà Vinh cho rằng, những khó khăn lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải là: xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, sâu bệnh nhiều và thiếu lao động nông nghiệp. Nguyên nhân thiếu lao động là do công nghiệp, đô thị hóa quá nhanh, các lao động trẻ ở vùng nông thôn không chịu làm nông dân mà tìm việc tại các khu công nghiệp.
 
Chính vì vậy, Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần những công cụ hỗ trợ từ công nghiệp, công nghệ và cả những nền tảng thương mại điện tử để nông dân mình bán nông sản. Điều này rất cần những chuyên gia để giúp cho các sản phẩm, ứng dụng, công nghệ được thông minh hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững. Về nông nghiệp, không riêng gì canh tác, truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì, thương mại điện tử, mà nó là cả một chuỗi giá trị - thứ mà cả nông dân và người tiêu dùng đều cần.
 
Vì thế, trong những năm tới, ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phải phát triển theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hợp tác, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các tiểu vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực.
 
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long nhất thiết phải có sự liên kết để cùng phát triển. Liên kết ngang và liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, liên kết giữa nông nghiệp với các ngành công nghiệp chế biến và phụ trợ, liên kết giữa các tỉnh để tạo ra sự lan tỏa về kinh tế, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý sử dụng tài nguyên…
 
Chính vì lẽ đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành với khu vực này để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó tốt với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường. Bộ sẽ tiếp tục cùng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hệ thống cung ứng nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường trong nước cũng như quốc tế./..
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản