Đi vào hoạt động từ năm 1996, hộ kinh doanh Tư Hồng, ở ấp Cổ Cò, xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) là một trong những cơ sở lâu năm còn duy trì sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống như: bánh in, bánh pía, bánh mì. Tuy nhiên, qua nhiều năm, các thiết bị sản xuất được đầu tư trước đó đã cũ và lạc hậu.
Để đáp ứng tốt năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh với các cơ sở sản xuất sản phẩm cùng loại, ông Đỗ Anh Thư, chủ hộ kinh doanh quyết định đầu tư thêm thiết bị mới phục vụ việc sản xuất.
Chảo trộn công nghiệp giúp ông Đỗ Anh Thư, chủ hộ kinh doanh Tư Hồng tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Thiện Hải
Ông Đỗ Anh Thư cho biết: “Sau thời gian tính toán, tôi muốn đầu tư thêm 3 chảo trộn để hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, giá thành máy móc, thiết bị cao nên còn đắn đo trong việc đầu tư kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị. Thông qua các kênh thông tin đại chúng, tôi đã tiếp cận chính sách hỗ trợ từ chương trình khuyến công của địa phương để lập đề án xin hỗ trợ thực hiện việc đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị”.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, ông Đỗ Anh Thư đã đầu tư chảo trộn công nghiệp trị giá 285 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 80 triệu đồng để phục vụ sản xuất bánh in. Hiện nay, chảo trộn công nghiệp có năng suất trộn 50kg/giờ, qua đó giúp ông Thư vừa tiết kiệm chi phí sản xuất lại hạn chế gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chỉ tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, lợi ích về môi trường, việc đầu tư mới máy móc, thiết bị còn tạo ra những sản phẩm tốt, phù hợp xu thế người tiêu dùng - đó là những chia sẻ chung của các cơ sở khi được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí.
Tại Công ty TNHH Cẩm Thiều, chuyên sản xuất trà mãng cầu ở TX. Ngã Năm, khâu xắt nguyên liệu đã không còn phải thực hiện thủ công nữa do khi nhận được kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 43 triệu đồng, công ty đã đối ứng thêm hơn 100 triệu để đầu tư mới thiết bị thái đa năng, thiết bị thái băng tải và máy in phun.
Ông Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều chia sẻ: “Từ khi đầu tư các loại máy này đã giúp công ty chúng tôi nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh; đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương”.
Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn các đơn vị và ngành nghề để hỗ trợ đúng hướng, đúng đối tượng nhằm phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có, giải quyết việc làm cho lao động, giúp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của tỉnh ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.
Có thể thấy, các chương trình khuyến công đã góp phần tích cực làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương, khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
Thiện Hải - (baosoctrang.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)