Bột rau sấy lạnh đoạt giải Nhất dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019

Thứ năm, 28 Tháng 11 2019 20:02 (GMT+7)
Với dự án chế biến các loại bột rau ăn lá bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp, Nguyễn Ngọc Hương (TP.HCM) đã vượt qua 225 dự án giành giải Nhất chung cuộc.
 
Sáng 25/11, Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) đã tìm ra những gương mặt khởi nghiệp thanh niên nông thôn suất xắc 2019.
 
 
Giải Nhất thuộc về Nguyễn Ngọc Hương - Dự án Bột rau sấy lạnh (TP.HCM), với giải thưởng 50 triệu đồng tiền mặt và được nhận Hỗ trợ vốn vay tối đa 1 tỷ đồng nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm: Dự án Chế biến các loại bột rau ăn lá bằng phương pháp sấy lạnh và nghiền nhiệt thấp.
 
Điểm khác biệt trong sản phẩm bột rau uống liền của Hương là được sản xuất theo công nghệ sấy lạnh tiệt trùng, vẫn giữ nguyên vẹn hương vị gốc và màu sắc tự nhiên của rau. Ngoài ra bột rau được nghiền bằng cối đá Granit nên sờ vào sẽ có cảm giác mềm mịn, đạt đến độ có thể hòa tan trong nước một cách dễ dàng.
 
 
Hai giải Nhì, với giải thưởng 30 triệu đồng/giải và nhận Hỗ trợ vốn vay tối đa 500 triệu đồng: Trương Lê Huy Hoàng - Dự án Sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp): Ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất chế biến để sản phẩm dễ bảo quản, có độ dai, mềm vừa ăn với nhiều loại gia vị đặc trưng được thị trường và người tiêu dùng ưa thích.
 
Phạm Minh Tiến - Dự án Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước (TP.HCM): Dự án Mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước được ứng dụng các công nghệ, chiết xuất thành công mật từ cây dừa nước theo hướng 100% tự nhiên, mang giá trị dinh dưỡng cao. Dự án này không chỉ có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương tại quê hương Cần Giờ, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, bởi dưới tán dừa là môi trường sống cho nhiều loài thuỷ sản.
 
 
3 giải Ba, với giải thưởng 15 triệu đồng/giải và nhận hỗ trợ vốn vay tối đa 300 triệu đồng tiền nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm: Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre) – Son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trường: SX các loại mỹ phẩm thiên nhiên với nguồn nguyên liệu chính từ dừa, từ thiên nhiên như son dưỡng môi, dầu dừa dưỡng thể, sữa tắm, xà bông… và sử dụng các loại bao bì sản phẩm bằng chất liệu tự nhiên như gỗ, gáo, lá dừa – vừa khai thác được tài nguyên bản địa, vừa phù hợp với môi trường.
 
Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên) – FAGO 4.0 Nông dân bứt phá: với mục tiêu giúp người nông dân thống kê và cảnh bảo về tiểu khí hậu môi trường chăn nuôi để nâng cao năng suất chăn nuôi, trồng trọt và kết nối người nông dân với các chuyên gia nông nghiệp để kịp thời giải quyết các vấn đề về điều trị bệnh vật nuôi, cây trồng. Dự án này tập trung phát triển dịch vụ cung cấp thiết bị phần cứng IOT ứng dụng thực tế ngành chăn nuôi, trồng trọt quy mô nhỏ.
 
Giàng A Dạy (Sơn La) – Phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, Mai Sơn, Sơn La.
 
 
4 giải Khuyến khích với giải thưởng 10 triệu đồng/giải và nhận hỗ trợ vốn vay tối đa 200 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm: Hứa Thị Rokyah (An Giang) – Kế hoạch sản xuất kinh doanh Tung Lò Mò (lạp xưởng bò) dân tộc Chăm; Lê Nguyễn Ngọc Trân (Lâm Đồng) – Trà Thanh An; Nguyễn Thị Huyền Trâm (Lâm Đồng) – Dalahouse giải pháp bổ sung rau củ cho gia đình; Lê Xuân Lâm (Thanh Hóa) – Vibabo sản phẩm tre thân thiện với môi trường.
 
 
Hai dự án được giải sản phẩm thương mại hóa tốt: Nguyễn Kim Thùy (Hậu Giang) – Mở rộng cơ sở nuôi và chế biến cá thác lác Kỳ Như; Trần Thái Sơn (Vũng Tàu) – Đèn led cho tàu cá.
NGUYỄN THỦY - (nongnghiep.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản