Tổng số diện tích trồng vú sữa của HTX là 45,5 ha, trong đó có 33 ha đang thu hoạch. Các xã viên thường xuyên được cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly để sản phẩm được bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, người trồng phải vệ sinh vườn, cắt tỉa cành khô và phun thuốc để bảo dưỡng cây.
Vú sữa xuất khẩu phải bao trái bằng bao nilon chuyên dụng.
HTX còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ kết nối vối Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường ở Tiền Giang hướng dẫn sản xuất trái vú sữa theo yêu cầu chất lượng xuất khẩu.
Nhờ vậy mà cuối năm 2018 HTX Trường Khương A đã xuất được lô hàng đầu tiên 4,6 tấn trái với giá 40.000đ/kg (cao hơn giá bán cho thương lái 10.000đ/kg).
Năm nay do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh phát sinh nên năng suất chỉ đạt 9 tấn/ha (năm 2018 đạt 12 tấn). Do vậy, năm 2019 HTX sẽ giao cho Công ty 20 tấn vú sữa thương phẩm với giá bao tiêu 27.000đ/kg, thấp hơn năm rồi.
Đóng gói vú sữa chuẩn bị xuất bán.
Để xuất được mặt hàng vú sữa sang thị trường khó tính, các xã viên không chỉ sản xuất theo quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm mà còn sử dụng túi nilon chuyên dụng để bao trái.
Đây là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức giúp cho trái đẹp, bóng, mọng nước, không bị ruồi đục trái. Mới đây, HTX đã giới thiệu một số xã viên dự lớp tập huấn về GlobalGAP.
Hiện nay giá vú sữa bán cho thương lái với giá dao động từ 28.000 – 36.000đ/kg (thấp hơn đầu vụ từ 10.000 – 15.000đ/kg) gồm 3 loại: vú sữa Lò Rèn (chiếm 2/3), vú sữa tím Bắc Thảo và vú sữa bơ hồng.
Theo ông Chiến, với giá này người trồng vẫn có lời. Nhiều xã viên đổi đời nhờ cây vú sữa, trong đó có hộ vươn lên giàu có. Điển hình như ông Cao Thanh Tùng, với 10 công vú sữa năm rồi bán được 620 triệu đồng. Bản thân ông Chiến trồng được 2 ha, nhưng chỉ mới cho trái phân nửa, thu lãi trên 200 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chiến giới thiệu trái vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Châu, Bí thư kiêm Trưởng ấp Trường Khương A đánh giá, đây là một mô hình năng động, có nhiều nỗ lực trong quá trình phát triển nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu Vú sữa Trường Khương A. Trước đây, bà con trồng chủ yếu là cam nhưng sau một thời gian, cây lão hóa, bị bệnh vàng lá, năng suất thấp nên đã chuyển sang trồng vú sữa, sầu riêng… Hiện toàn ấp có 296 hộ dân, trong đó trên 200 hộ thuộc diện khá và giàu nhờ trồng vú sữa, sầu riêng, chỉ có 2 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo vì thiếu đất canh tác.
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
Dẫn: M.Phúc (dongbang.vn)