Giá cả và sức tiêu thụ sụt giảm mạnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ.
Liên tục trong nhiều tháng qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ còn ở mức 18.000-19.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn ở mức 17.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá tra bị lỗ vốn ít nhất từ 3.000-4.000 đồng/kg cá tra thương phẩm.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2019, ngành hàng cá tra của chúng ta đã đối mặt với một số khó khăn và thách thức, đặc biệt là dư cung làm giá cá giảm sâu. Bên cạnh đó, đầu năm 2020, chúng ta phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch COVID-19. Tác động của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường nên xuất khẩu bị sụt giảm tại hầu hết các thị trường trọng điểm. Điều này không chỉ khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phụ thuộc vào những thị trường này gặp khó mà còn làm giá cá tra nguyên liệu giảm xuống mức thấp.
Các tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia: Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Hàn Quốc. Đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề đối với ngành cá tra Việt Nam, cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Với những đơn hàng xuất khẩu đã ký của doanh nghiệp, có đến 20-40% số đơn hàng bị đối tác yêu cầu hoãn và hủy, chủ yếu từ EU và Trung Quốc”. Theo bà Lan, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu nước ngoài, nhất là việc họ trì hoãn thanh toán khiến việc xoay vòng vốn của doanh nghiệp gặp khó.
Hiện nay, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ, thương thảo, ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới. Theo ông Doãn Tới, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, lịch sử chưa bao giờ có giá xuất khẩu cá tra tệ như bây giờ và các đơn hàng ký được cũng rất ít. Ngoài thị trường Mỹ có phần sáng sủa, thì hầu hết các thị trường khác đều đang “đứng” hết. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và lo cho đời sống người lao động để cố gắng “giữ vững” nguồn nhân lực lao động, đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 đạt 6.205ha, tăng 15% so với năm 2018, sản lượng đạt 1,72 triệu tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD, giảm 11,4% so với năm 2018. Ước tính 4 tháng đầu năm 2020, diện tích thả nuôi lũy kế đạt 3.907ha, bằng 95,43% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ước đạt 322.364 tấn, bằng 88,15% so với cùng kỳ năm 2019.
|
Giải pháp đồng bộ
Để ổn định và phát triển ngành cá tra, đòi hỏi ngành chức năng cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi cá tra tiếp cận vốn và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Song song đó, cần có các giải pháp tháo gỡ kịp thời các khó khăn về đầu ra sản phẩm, đồng thời cần nâng cao năng lực hệ thống kho dự trữ và phát triển đa dạng các sản phẩm chế biến từ cá tra. Chú ý kiểm soát diện tích và sản lượng nuôi cá tra ở mức phù hợp gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng và chế biến, nâng cao chất lượng con giống, tăng cường liên kết… để giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm. Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, cần quan tâm tiếp thị, mở rộng thị trường mới, trong đó, ASEAN là thị trường tiềm năng khi có mức tăng trưởng khá trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Pakistan cũng là những thị trường cần có giải pháp để xâm nhập.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng: “Từ nay đến cuối năm, cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu mới, ngoài các thị trường truyền thống: Trung Quốc, Mỹ, EU… để hạn chế lượng hàng tồn kho và cá nguyên liệu dưới ao. Đồng thời, quan tâm xây dựng và phát triển kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa. Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra, chú ý tái cấu trúc về thị trường sau dịch COVID-19 nhằm tạo thị trường bền vững và ổn định lâu dài cho cá tra, cũng như tái cấu trúc về sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Cải thiện chất lượng ngành hàng cá, trước mắt là đẩy mạnh cải thiện chất lượng con giống gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi và đạt hiệu quả tốt, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững”.
Dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân tại các thị trường nhập khẩu, nhiều người đã chuyển từ việc sử dụng cá tra tại các nhà hàng, khách sạn sang mua hàng ở các siêu thị. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm để có giải pháp tái cơ cấu, phát triển và cân đối các kênh bán hàng. Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, ở thị trường Mỹ và Trung Quốc, cá tra được phân phối qua hệ thống các nhà hàng chiếm hơn 70%, ở thị trường châu Âu thì ngược lại, cá được tiêu thụ ở siêu thị nhiều hơn. Qua đó, cho thấy cần cân đối, cân bằng lại giữa kênh siêu thị và kênh nhà hàng. Ngoài việc nâng cao năng lực nuôi trồng, chế biến, chúng ta cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm cá tra để người tiêu dùng nhận biết thì kênh tiêu thụ cá tra qua siêu thị mới phát triển được.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 3 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Nếu so với cùng kỳ năm 2019 thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%...
|
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nhiều doanh nghiệp và người dân giàu lên nhờ cá tra nhưng cũng có nhiều người khánh kiệt vì con cá tra. Nguyên nhân chính là do chuỗi giá trị ngành hàng từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ chưa được tổ chức chặt chẽ. Biểu hiện rõ ràng là sự tuân thủ không nghiêm ngặt, để xảy ra việc đào ao tự phát đã phá vỡ quy hoạch. Giống là khâu quan trọng nhất nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, tổ chức kênh phân phối ở thị trường nước ngoài và thị trường nội địa còn yếu… Đây là những tồn tại, hạn chế cần được quan tâm khắc phục kịp thời.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các hiệp hội đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu cá tra vào thị trường tiềm năng: Nga, Brazil... Đồng thời, làm việc với các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước đẩy mạnh tiêu thụ cá tra trong nước để không bị lệ thuộc, bị áp lực khi các thị trường xuất khẩu sụt giảm nhu cầu. Để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, Bộ yêu cầu các địa phương không mở rộng diện tích nuôi cá tra nữa.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)