Sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ ứng phó đại dịch Covid-19

Thứ ba, 02 Tháng 6 2020 07:17 (GMT+7)
Theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ thì các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện địa phương.
Theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL, ước quý I năm 2020, diện tích thả nuôi tôm nước lợ chỉ đạt 425.215ha (đạt 85% so cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh; kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,5% so cùng kỳ). Đối với Sóc Trăng, trong quý I năm 2020, diện tích thả nuôi tôm nước lợ hơn 11.000ha/50.000ha, đã thu hoạch 1.500ha, sản lượng gần 9.000 tấn, cùng với đó là kế hoạch đến cuối năm 2020 sản lượng tôm nước lợ của Sóc Trăng đạt 167.000 tấn.
Áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Thúy Liễu
 
Đồng chí Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019, Sóc Trăng được đánh giá là vụ nuôi khá thành công do tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm, chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện các giải pháp ngay từ đầu vụ nuôi như: xây dựng khung thời vụ chung toàn tỉnh, đưa ra những khuyến cáo phù hợp từng vùng nuôi, thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường và quản lý dịch bệnh, tăng cường kiểm soát chất lượng giống nhập tỉnh và vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giải pháp quản lý ao nuôi bằng nhiều hình thức để nông dân dễ tiếp cận; đồng thời tăng cường liên kết sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã nên dịch bệnh trên tôm nuôi được kiểm soát khá tốt. Theo đó, diện tích thả nuôi tôm năm 2019 là 57.000ha, sản lượng 150.355 tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đạt 630 triệu USD, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh…”.
 
Theo Tổng cục Thủy sản, trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt từ đầu tháng 3-2020, khi dịch bệnh lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng tại châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… đã làm gia tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống. Để ứng phó với tình hình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến tình hình dịch bệnh đối với thị trường nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản, trong đó có sản phẩm tôm nước lợ nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủy sản nước ta.
 
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ: “Qua nhận định của Tổng cục Thủy sản và sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hiểu về việc đảm bảo mùa vụ tôm nuôi nước lợ năm 2020 thắng lợi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tiếp nối thành công, ngành nông nghiệp đề nghị các đơn vị chuyên môn thực hiện các giải pháp nuôi tôm hiệu quả như triển khai mô hình tôm - lúa; quản lý vùng nuôi theo đúng quy định Luật Thủy sản, thực hiện mã số nhận diện ao nuôi các đối tượng nuôi chủ yếu theo Nghị định số 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ, quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, đồng thời thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ; xây dựng chuỗi liên kết và sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng; kết nối giữa các công ty với các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện các chứng nhận theo nhu cầu thị trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm và phòng chống bơm chích tạp chất trong tôm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán, sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành”.
Nuôi tôm cần áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro. Ảnh: Thúy Liễu
 
“Đồng thời, chủ động xây dựng Đề án Quan trắc môi trường và phòng dịch bệnh trên tôm. Từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động quan trắc, tiếp tục bố trí 2 hệ thống quan trắc tự động trên tuyến sông đầu nguồn, phục vụ cho vùng nuôi tôm huyện Cù Lao Dung và Trần Đề; đổi mới công tác tuyên truyền; nhân rộng các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng ao nuôi lót bạt; nuôi tôm sú 2 giai đoạn; nuôi thâm canh bằng ao tròn 3 giai đoạn và tùy vào điều kiện của từng hộ nuôi mà áp dụng mô hình phù hợp, có hiệu quả nhất…” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ thêm.
 
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, để ổn định sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ ứng phó đại dịch Covid-19, các tỉnh nuôi tôm cần phải khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hóa chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm và áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng; theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở địa phương, kịp thời thông tin tới doanh nghiệp và người nuôi tôm biết diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới; tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất giống và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cần có giải pháp hỗ trợ cụ thể chia sẻ khó khăn cùng người nuôi nhằm ổn định sản xuất…
 
Thúy Liễu - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản