Ông Thanh chia sẻ, việc sấy mực bằng năng lượng mặt trời cho ra sản phẩm mực khô, mực một nắng sạch 100%, chất lượng cao, sản phẩm đẹp và giữ được hương vị, chất dinh dưỡng... Đặc biệt, quá trình sấy mực và hải sản đều tự động khép kín.
Ông Đinh Văn Thanh phấn khởi khoe máy sấy mực nặng lượng mặt trời cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Vợ chồng ông Thanh bên cỗ máy sấy mực năng lượng mặt trời "hái" ra tiền của mình.
“Đây là một cỗ máy đa năng dễ sử dụng, lắp đặt rất dễ dàng và chi phí lắp đặt vừa túi tiền của người dân nghèo. Máy sấy tạo ra sản phẩm tự nhiên do được hấp thụ từ năng lượng mặt trời, nhiệt độ phù hợp. Hơn nữa, máy hoạt động được cả vào ngày nắng lẫn ngày mưa nên lúc nào cũng có mực khô, mực một nắng để bán, ngày mưa thì máy cắm điện để sấy…”, ông Thanh phấn khởi.
Bà Mai Thị Hương (vợ ông Thanh) chia sẻ thêm, sấy mực bằng năng lượng mặt trời cho ra sản phẩm mực một nắng trắng không đổi màu, thịt mực dai dẻo và ngọt không bị mất chất. Trước đây mỗi tháng cơ sở chúng tôi chỉ có sấy được 30kg mực thành phẩm/ tháng, nhưng nay sử dụng năng lượng mặt trời chúng tôi có thể tạo được khoảng 60kg.
“Không chỉ sấy mực khô, mực một nắng mà còn sấy được nhiều loại hải sản có giá trị khác. Máy sử dụng rất dễ, giá thành chỉ có 35 đến 40 triệu đồng và dễ lắp đặt nên người không chuyên cũng có thể lắp được…”, bà Hương nói thêm.
Theo vợ chồng ông Thanh, cỗ máy sấy mực bằng năng lượng mặt trời đang sử dụng là cỗ máy do Tiến sĩ Trần Văn Vinh, hiện là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định (Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định) nghiên cứu và sáng chế ra.
Còn TS Vinh chia sẻ, trong nhiều chuyến công tác ở các làng biển, khi trò chuyện với các ngư dân ông nhận thấy, ở các làng biển Bình Định và khu vực Nam Trung Bộ thì mực một nắng, mực khô là loại hải sản cho giá trị kinh tế rất cao cho ngư dân.
Ông Thanh đang sấy mực một nắng bằng năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, từ trước đến nay các ngư dân thường đánh bắt mực và hải sản về rồi mở sân phơi giữa trời nên phát sinh ruồi nhặng gây mất vệ sinh và thường xuyên chịu nhiều rủi ro do các yếu tố thời tiết.
Xuất phát từ nguyện vọng của bà con ngư dân, ông Vinh mới nảy ra ý tưởng phải sáng tạo ra một cỗ máy để giúp đỡ họ giải quyết được các tồn tại trên nhằm nâng cao được sản phẩm mực khô, mực một nắng và nhiều loại hải sản có giá trị khác...
Ông Vinh kể, ông phải mất gần 2 năm đi đến các cơ sở sản xuất, chế biến và phơi mực để tìm hiểu cách phơi mực khô, một nắng tự nhiên.
Bằng cách quan sát, tính toán và ghi chép tỉ mỉ các công đoạn sơ chế thủ công tự nhiên và theo dõi nắng, gió, nhiệt độ ngoài trời… Cuối cùng ông chọn cách tạo ra một cỗ máy sấy sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, cho ra sản phẩm mực khô, mực một nắng vừa kế thừa công thức truyền thống của ngư dân mà tạo ra sản được sản phẩm sạch, đẹp và chất lượng.
Ông Thanh cho biết, tới đây sẽ đầu tư thêm 1 cỗ máy sấy mực bằng năng lượng mặt trời
“Với cỗ máy này, tôi cố tình sáng chế công nghệ hợp với mức độ hiểu biết phổ thông của các ngư dân. Nên khi đưa ra phổ biến sử dụng, các ngư dân họ có thể tự chuyền tay nhau, giúp đỡ nhau để lắp đặt, sử dụng nhằm nâng cao giá trị hải sản họ đánh bắt được…”, TS Vinh chia sẻ.
NGỌC OAI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)