Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở Khu Công nghiệp Trà Nóc 2.
►Khó thêm khó
Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, chia sẻ: Ngành thủy sản hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khiến người nuôi, doanh nghiệp đều gặp khó. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu không được, thị trường tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn, người dân liên tục giảm giá bán. Trong khi giá thành sản xuất ước tính khoảng 20.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu thì giá bán giảm còn 16.000 đồng/kg, nhưng không có doanh nghiệp thu mua. Thậm chí một số hộ nuôi cá tra phải kéo cá bán ở chợ, bán lẻ. Nhiều hộ chuyển sang nuôi thưa cho cá ăn gián đoạn vì không còn vốn. Nhiều người nuôi cũng muốn tiếp cận các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng thiệt hại của dịch bệnh nhưng lại không thể chứng minh mức doanh thu bị giảm sút ra sao bằng hóa đơn, chứng từ liên quan.
Năm 2020, tình hình nuôi trồng thủy sản của nông hộ cũng khó khăn hơn khi diện tích thả nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố chỉ đạt 39% kế hoạch, sản lượng thu hoạch đạt 37% kế hoạch năm. Sản lượng xuất khẩu 6 tháng ước đạt hơn 81.400 tấn, chỉ bằng 91,88% so với cùng kỳ và mới đạt gần 30% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 270 triệu USD, chỉ đạt 28,58% kế hoạch năm. Ðối với xuất khẩu thủy sản, do dịch COVID-19 các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ duy trì hoạt động 50% so với trước nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động và giải quyết nguồn nguyên liệu nuôi. Trong khi đó, đa số khách hàng không tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết do đóng cửa biên giới, dẫn đến hàng tồn kho nhiều, vốn thiếu hụt.
Ông Võ Ðông Ðức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Caseamex, chia sẻ: Ngành thủy sản năm 2020 chịu tác động kép khi biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập trong mùa hạn vừa qua làm thiếu hụt nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản khiến tình hình nuôi bị động, không duy trì được sản lượng, thời gian nuôi. Giá cả cũng là yếu tố bất lợi, bởi sau khi cá tra tăng giá đỉnh điểm năm 2018 là thời gian rớt giá kéo dài sang đến năm 2020 khiến người nuôi kiệt sức, doanh nghiệp lao đao. Và đến khi dịch COVID-19 bùng phát đã gây nên những xáo trộn lớn không ai lường trước được. Ðối với Caseamex, nhiều đơn hàng xuất khẩu phải dừng lại, dời thời gian, không liên lạc được với đối tác do tiêu thụ hạn chế, cấm cảng ở một số nước châu Âu, Brazil, Colombia… Hàng hóa vận chuyển bị ùn tắc nhiều ở cảng quốc tế, khách không nhận hàng làm ảnh hưởng đến việc thanh toán cũng như ách tắc dòng lưu chuyển vốn của doanh nghiệp.
►Tái thiết ngành hàng
Theo bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, trong bối cảnh khó khăn, nếu doanh nghiệp không giữ được lao động lành nghề thì khi thị trường phục hồi sẽ khó đi vào hoạt động ổn định. Doanh nghiệp cần vốn để duy trì sản xuất và trả lương cho công nhân nhưng hàng tồn kho nhiều, khách hàng nước ngoài hoãn đơn không nhận hàng. Do đó, Hiệp hội Thủy sản đề xuất thành phố cùng các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng thủy sản thuận lợi tiếp cận vốn, tái cơ cấu lại sản xuất sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ðồng thời, kéo dài thêm thời gian nộp thuế và trả nợ ngân hàng vì dự báo thị trường vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Ông Võ Ðông Ðức cho biết: Nhờ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và ngành ngân hàng nên doanh nghiệp phần nào dễ thở hơn. Giãn nợ là biện pháp cần thiết đã được các ngân hàng triển khai nhưng doanh nghiệp hiện tắc vốn do đơn hàng bị hoãn lại, phải chờ khách hàng thanh toán mới có dòng tiền về thanh toán khoản vay cũ để được vay mới tái đầu tư sản xuất. Do đó, công ty cũng mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp tăng vốn trong giai đoạn này. Vì có khả năng doanh nghiệp phải chịu đựng ít nhất là 3 tháng nữa để chờ khôi phục thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, trước đây các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thường duy trì lượng hàng trong kho để đáp ứng kịp thời cho các đơn hàng xuất khẩu, chủ động khi giao hàng cho đối tác. Nay thị trường trầm lắng, ách tắc đầu ra có khả năng tồn kho thủy sản sẽ tăng lên. Vì thế, doanh nghiệp phải cân đối sản xuất cũng như cân đối lượng hàng tồn kho ở mức cho phép. Nếu những khó khăn về thị trường không được giải quyết, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà còn ảnh hưởng đến người nuôi cá tra. Do đó, vấn đề tái cấu trúc ngành hàng trong giai đoạn khó khăn này là yêu cầu cấp thiết. Ngành Công Thương cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong vấn đề hỗ trợ thủ tục xuất khẩu, kết nối thị trường. Về phía doanh nghiệp cần chủ động kết nối ngay với những thị trường đang dần mở cửa lại hoặc nới lỏng hoạt động nhập khẩu để hàng hóa được lưu thông thông suốt và kịp thời xoay vòng vốn để tái đầu tư, chế biến phục vụ xuất khẩu.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)