Nhiều tín hiệu khả quan
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành tôm xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm nay đã có tín hiệu tích cực khi đạt giá trị kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu, hiện tôm chân trắng chiếm 69,5% trong tổng giá trị, tôm sú chiếm 19,2%, còn lại là tôm biển.
Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến (mã HS16) và tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (mã HS03) tăng lần lượt 13% và 5% so với cùng kỳ; xuất khẩu tôm sú chế biến khác (HS16) tăng 18%, trong khi tôm sú sống/tươi/đông lạnh (HS03) giảm 19%...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tôm giảm, một số doanh nghiệp và thương lái giảm sức mua hoặc mua với giá thấp, dẫn đến giá tôm giảm. Đặc biệt, giá tôm sú nguyên liệu giảm khoảng 30%, giá tôm thẻ giảm khoảng 15%.
Hiện giá tôm sú loại 20 con/kg giá 170.000-180.000 đồng/kg (giảm 80.000 đồng/kg so cùng kỳ), loại 40 con/kg 110.000-120.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng/kg so cùng kỳ); tôm thẻ chân trắng 90-100 con/kg nuôi ao bạt giá 87.000-89.000 đồng/kg; nuôi ao đất giá 82.000-86.000 đồng/kg. Do giá tôm giảm nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hàng chục ngàn hộ dân nuôi tôm tại ĐBSCL.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong các tháng tới, đại diện VASEP cho biết, tình hình dự kiến tăng trưởng tốt bởi nhu cầu tại các thị trường như Mỹ, Trung Quốc… vẫn cần thủy sản.
Cũng theo VASEP, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nước. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Kiểm soát chất lượng, giữ thị trường
Cà Mau là trong trong những tỉnh xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đối tác lớn đề nghị tạm ngừng các đơn hàng nhập khẩu. Tình hình xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm của tỉnh giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) ước đạt 350 triệu USD, đạt 30% kế hoạch, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Tương tự, tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… xuất khẩu tôm cũng giảm mạnh.
Mới đây, tại cuộc họp công tác chỉ đạo điều hành, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan chủ động liên hệ Bộ Công thương để có những nhận định chính xác, nắm chắc diễn biến, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Hải cũng yêu cầu các cơ quan liên quan đôn đốc doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các khách hàng nhập khẩu hiện có, kết hợp với tìm kiếm thị trường mới, nhất là đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu do đối tác bị ảnh hưởng dịch Covid-19 giãn, hủy đơn hàng; chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nhất là EVFTA, CPTPP để đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Lãnh đạo các tỉnh, thành ở ĐBSCL như Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre… cũng chỉ đạo tăng cường sản xuất, hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi tôm, đặc biệt là các biện pháp ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường. Thúc đẩy nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến. Nâng cao hiệu quả công tác dự báo, đảm bảo sát nhu cầu, giá cả thị trường đối với từng loại tôm để hướng dẫn người dân sản xuất hiệu quả.
TẤN THÁI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)