Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) là Hiệp định có mức cam kết cao nhất trong các FTA, sẽ có hiệu lực tới đây từ ngày 1/8/2020. Trong đó, một trong những điểm "hưởng lợi" lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là nội dung cam kết của EVFTA về cắt giảm thuế quan.
Cụ thể, sẽ xóa bỏ thuế quan ngay 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU; Xóa bỏ thuế quan sau 07 năm là 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU.
Ảnh minh họa.
Riêng với ngành thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, 50% còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 - 7 năm. Cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quanlần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), EVFTA là một cơ hội tốt cho hàng thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường EU. 212 mặt hàng thủy sản có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó thuế cao từ 6-22% sẽ về 0% kể từ ngày 1/8.
Một số mặt hàng đang chịu thuếcao được về 0% như: Tôm hùm đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8-20%, thanh cua đang áp thuế suất 14,2%, cá tuyết thuế suất 13%, tôm hồng áp thuế suất 12%... Các mặt hàng hàu, sò điệp, mực, cá bơn, hải sâm,... có mức thuế nhập khẩu từ 8-11%
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ, với tỷ trọng từ 17 - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU chiếm 22% thị phần, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%...
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm sâu nhất là cá tra, giảm tới 31% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ và mực bạch tuộc cũng giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.