Tôm khô Ngọc Hiển tiến tới OCOP

Thứ tư, 15 Tháng 7 2020 07:18 (GMT+7)
Huyện Ngọc Hiển được biết đến với nhiều món ăn đặc sản mang đậm hương vị biển và được chế biến từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ, tạo ra những món ăn mang đặc trưng riêng của vùng đất ngập mặn, trứ danh. Trong những món ăn của rừng, của biển phải kể đến sản phẩm tôm khô Rạch Gốc, đã tạo được thương hiệu trên thị trường và để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người thưởng thức.
Chính sự độc đáo của con tôm khô Rạch Gốc tạo động lực cho các cơ sở sản xuất tôm khô trên địa bàn huyện Ngọc Hiển không ngừng nâng cao chất lượng, tạo ra thương hiệu, phát huy sáng kiến trong bảo quản, chế biến sản phẩm từ tôm để sản phẩm hướng đến đạt tiêu chuẩn OCOP.
 
Doanh nghiệp tôm khô Chí Tâm đã gắn bó với nghề làm tôm khô hơn 20 năm qua. Bắt tay vào khởi nghiệp, cơ sở ít lần thất bại vì làm bằng thủ công nên sản lượng và chất lượng chưa như mong đợi, tôm khô làm ra không đẹp và đều. Đối với tôm biển, đặc tính khác so với tôm vuông, quá trình đánh bắt, vận chuyển mất nhiều thời gian, nếu bảo quản không tốt, tôm sẽ không được tươi. Ngoài ra, chi phí chi trả cho nhân công khá cao nên lợi nhuận thấp, sản phẩm bảo quản không được lâu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương.
Dây chuyền sản xuất hiện đại.
 
Doanh nghiệp tôm khô Chí Tâm đã đạt nhiều danh hiệu về chất lượng tôm khô.
 
Tôm khô Rạch Gốc ngày càng được nâng cao chất lượng, mẫu mã.
 
Trước khó khăn đó, ông Hồng Chí Tâm, chủ Doanh nghiệp tôm khô Chí Tâm đã tìm tòi, học hỏi cách chế biến để tạo ra những mẻ tôm chất lượng đến tay người tiêu dùng và khẳng định được uy tín trên thị trường. Từ đó, thương hiệu tôm khô của gia đình ngày càng được nhiều người biết đến. Năm 2012, doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ sản phẩm để nâng cao giá trị tôm khô biển và cho ra đời thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, nhãn hiệu cơ sở Chí Tâm.
 
Ông Hồng Chí Tâm, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: “Mỗi sản phẩm làm ra đều được chúng tôi đóng gói cẩn thận và có bao bì, nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng. Có được thương hiệu, chúng tôi an tâm sản xuất vì sản phẩm khi ra thị trường không bị pha tạp, trà trộn với những mặt hàng tôm khô không có thương hiệu”.
 
Cũng theo ông Tâm, việc bảo quản tôm khô bằng bao bì nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm được trưng bày với mẫu mã đẹp mắt, thu hút người tiêu dùng. Khi tôm khô được ép chân không sẽ nâng thời gian sử dụng 3 tháng, thời hạn dùng lâu hơn khi chưa đóng gói, thuận tiện cho khách hàng làm quà biếu bạn bè phương xa.
 
 Để giảm chi phí trong sản xuất và hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở đầu tư hàng chục tỷ đồng đổi mới, cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất. Máy rửa tôm tự động, máy sấy tôm, máy sàng thổi phân cỡ, máy đập, máy ép chân không, máy phơi tôm bằng năng lượng mặt trời và hệ thống luộc tôm bằng nồi áp suất, công suất 2,5 tấn tôm/giờ. Tất cả khâu rửa, luộc, sấy, đập, phân cỡ, đóng gói đều trên dây chuyền tự động và được kiểm tra chặt chẽ, đưa tôm vào lò luộc không dùng phụ liệu để đảm bảo màu sắc đỏ tự nhiên của tôm biển. Đặc biệt, khâu thành phẩm rất quan trọng, cơ sở đã lựa chọn những con tôm khô ngon đem vào đóng gói, không sử dụng chất bảo quản để tạo ra con tôm khô chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Từ sự đầu tư máy móc hiện đại, mỗi năm cơ sở tôm khô Chí Tâm cung cấp ra thị trường vài chục tấn tôm khô biển, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Hiện cơ sở có khoảng 40 lao động làm việc, thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Với những nỗ lực phấn đấu, chăm chút cho sản phẩm làm ra, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng, nhiều năm liền Doanh nghiệp tôm khô Chí Tâm đạt danh hiệu Doanh nhân xuất sắc 3 miền; Doanh nhân tiêu biểu; đoạt Huy chương Vàng, cúp vàng chất lượng Việt Nam; cúp vàng Hợp quy chuẩn chất lượng; sản phẩm tôm khô Chí Tâm được tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu...
 
Ông Hồng Chí Tâm cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư hệ thống sản xuất với quy trình khép kín nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết giữa các cơ sở thu mua nguyên liệu tươi, công ty kinh doanh thuỷ sản khô nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị tôm khô Rạch Gốc. Đặc biệt, liên kết với các công ty để sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, vừa tăng doanh thu, vừa hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu các đơn đặt hàng từ đối tác”.
 
Với HTX tôm khô Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, hiện nay ngoài tôm khô, HTX có thêm mắm tôm, tôm chà bông, muối tôm…, hầu hết các mặt hàng đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và Trung ương. Giám đốc HTX Tân Phát Lợi Bùi Văn Chương chia sẻ: "Việc tham gia đạt chứng nhận OCOP đã khó, việc nâng chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao càng khó. Với từng cấp đạt được, nguồn lực của HTX phải nâng cao chất lượng sản phẩm cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Từ đó, chúng tôi quyết tâm đưa các sản phẩm, mặt hàng đạt chuẩn OCOP".
 
Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây Võ Minh Hổ cho biết, địa phương sẽ tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi sản phẩm để được chứng nhận OCOP. Đây là mục tiêu để mỗi xã nông thôn mới có một sản phẩm tiêu biểu.
 
 Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Tăng Thiện Tính thông tin: “Huyện sẽ tập trung hướng dẫn các quy trình, thủ tục cho cơ sở, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP. Trước mắt phải xây dựng thương hiệu thông qua quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP theo nhu cầu thị trường. Qua đó, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực địa phương, góp phần mang sản phẩm tôm khô Rạch Gốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và vươn xa thương hiệu ra thế giới”./.
 
Chí Hiểu - Hồng My - (baocamau.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản