Nhiều kỳ vọng
6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp (DN) ngành điều xuất khẩu được trên 232.400 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và tăng 1% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2019. Với kết quả này, có thể nói, những lo ngại của ngành điều bị tác động bởi dịch Covid-19 đã biến chuyển khá nhanh, từ bi quan đến hy vọng. Các chuyên gia nhận định, nông sản Việt là mặt hàng còn nhiều tiềm năng xuất khẩu sang các nước EU (thuộc nhóm thị trường khó tính), do được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là nhân điều, loại hạt có lợi cho sức khỏe, như thực phẩm hỗ trợ điều trị tim mạch, tiểu đường...
Việc EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8-2020 càng tạo điều kiện cho ngành hàng này xâm nhập nhiều hơn vào EU. Đặc biệt, EU cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao, như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, hạt điều Bình Phước...
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, đã có một số DN như Tập đoàn BLB, Tập đoàn Intersnack chuyên về chiên rang hạt hàng đầu châu Âu đã tới Việt Nam từ sớm, tìm hiểu cơ hội để đầu tư, hoặc liên doanh để mở nhà máy chế biến và xuất khẩu hạt điều đã chế biến về châu Âu đón đầu EVFTA. Những lợi thế về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của các doanh nghiệp EU là cơ hội để DN ngành điều Việt mạnh dạn tiếp cận, mua những hệ thống công nghệ, thiết bị chế biến nhân điều tiên tiến với giá rẻ hơn mà chất lượng cao hơn. Đồng thời, giúp hoàn chỉnh và bổ sung thiết bị sản xuất trong nước ở các khâu như: dây chuyền khử trùng pasteurize, hun trùng hữu cơ, chiên rang... Nhờ vậy, có thể giúp nâng cao hơn tính cạnh tranh cho DN, góp phần thúc đẩy ngành chế tạo máy trong nước, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ phát triển hơn nữa.
Cùng với EVFTA, EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU) được kỳ vọng góp phần thu hút vốn đầu tư; tiếp cận quy trình sản xuất, quản lý chất lượng mới, tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch từ EU. Nắm bắt được thị trường lớn này, sẽ giúp ngành điều mở rộng hơn, thương hiệu hạt điều Việt Nam vươn xa hơn. Đó có thể xem là yếu tố giúp tăng trưởng về lượng và trị giá hạt điều. Riêng năm nay, với EVFTA, Vinacas kỳ vọng gia tăng thêm 10 thị trường, trong đó có thị trường từ những nước nội khối EU.
Sức ép với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Theo nhận định của Hiệp hội Điều Việt Nam, việc thực thi 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA góp phần tăng cường sự gắn kết về đầu tư, thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và EU. Đây là cơ hội để Vinacas kết nối và tạo dựng quan hệ tốt hơn với những tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức chuyên ngành hạt điều của châu Âu như Hiệp hội Hạt châu Âu (TNA), kể cả việc xúc tiến thương mại. Việc ký kết, thực hiện EVFTA và EVIPA sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong nước, cải cách hành chính, đẩy mạnh cải cách thể chế. Nhờ đó, việc kiểm tra chuyên ngành, thủ tục về thuế, hải quan thời gian tới sẽ ngày càng tốt hơn.
Nhằm mục đích đón đầu thị trường, những DN lớn, sản xuất tập trung, chế biến sâu nhân cơ hội này tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại châu Âu để khảo sát thương mại, hoặc liên doanh, liên kết và mở văn phòng đại diện tại các nước EU. Đây là những DN có lợi thế cạnh tranh cao sau khi EVFTA đi vào thực thi. DN điều Việt Nam đang tiếp cận trực tiếp và làm việc hiệu quả với các đối tác châu Âu, tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu, tập quán thương mại, từng bước nâng cấp cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu chuẩn, kỹ thuật để đáp ứng cho khách hàng.
Thế nhưng, EVFTA cũng tạo ra sức ép cạnh tranh, nhất là với những DN nhỏ và vừa trong nước. Đây chính là thách thức đối với nhiều DN không có khả năng đầu tư cơ sở chế biến phù hợp tiêu chuẩn châu Âu và cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài. Vinacas cho biết, cả nước có trên 3.000 cơ sở chế biến điều, trong đó, chỉ riêng Bình Phước, thủ phủ ngành điều Việt Nam, đã có tới 1.400 cơ sở. Trước đây, khi còn đương nhiệm Chủ tịch Vinacas, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, các DN chế biến hạt điều trong nước khá nhiều, trong đó, vài chục DN có doanh thu trên 30 triệu USD/năm; còn lại phần lớn quy mô từ nhỏ đến siêu nhỏ, doanh thu hàng năm khoảng vài trăm ngàn USD. Có thể nói, đây chính là sức ép rất lớn về cạnh tranh khi triển khai chiến lược bán hàng, chiến lược sản phẩm của từng DN cũng như toàn ngành. Bản thân những DN này, nếu không tái cấu trúc, đầu tư và hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, không tự vươn lên sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bị đào thải.
CÔNG PHIÊN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)