Phục hồi, kết nối lại chuỗi cung ứng

Thứ sáu, 24 Tháng 7 2020 10:27 (GMT+7)
Khi đại dịch COVID-19 ập đến, doanh nghiệp (DN) thành phố phải đối mặt với việc chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu bị rối loạn, đứt gãy. Chính điều này đã làm DN gặp khó từ “đầu vào” lẫn “đầu ra”. Và thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát thì hoạt động kết nối, phục hồi các chuỗi cung ứng là việc cần làm ngay.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa, quận Cái Răng.
 
►Đứt gãy chuỗi cung ứng
 
Từ tháng 5-2020, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP Cần Thơ được nối lại, song chuỗi cung ứng trong nước lẫn xuất khẩu vẫn chưa thể phục hồi. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nhu cầu của thế giới chưa thể tăng do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhiều nước vẫn còn áp dụng biện pháp cách ly cộng đồng nên sức tiêu thụ hàng hóa vẫn còn chậm. Các DN sản xuất, chế biến thủy sản, may mặc vẫn gặp nhiều khó khăn do khách hàng từ chối hoặc hoãn nhận đơn hàng làm lượng hàng tồn kho tăng.
 
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, phân tích: “COVID-19 gây ảnh hưởng khác xa với những lần khủng hoảng kinh tế trước đây. Ðại dịch đã làm ngưng trệ hoàn toàn nền kinh tế thương mại toàn cầu trong khi khủng hoảng kinh tế đến từ từ, có những dấu hiệu báo trước. Sau đại dịch, DN Cần Thơ vốn đã nhỏ, đã yếu nay càng nhỏ hơn, yếu hơn khi phải ngủ đông một thời gian khá dài”. Theo ông Nguyễn Văn Hào, dù dịch bệnh trong nước đã kiểm soát tốt, thị trường trong nước vẫn chưa hồi phục. Sức mua của người dân vẫn còn hạn chế do cũng bị ảnh hưởng nhiều.
 
Khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan trên toàn thế giới, các quốc gia có độ mở thương mại lớn và tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động cung - cầu của thế giới bị đảo lộn. Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô, chia sẻ: “Ngành may là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc làm công ty tắc “đầu vào” vì nguyên phụ liệu ngành may chủ yếu nhập từ quốc gia này. Tiếp đến dịch bệnh lây lan các nước trên thế giới như: Mỹ, châu Âu… làm tắc “đầu ra” vì các nước này là khách hàng nhập khẩu lớn của May Tây Ðô”.
 
►Thay đổi tư duy, hành động
 
Trong bối cảnh hiện nay, để DN nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vai trò của Nhà nước vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Văn Hào cho biết: Qua khảo sát, thăm dò của CBA cho thấy, 100% DN được hỏi ý kiến đề nghị được giảm các loại thuế thu nhập DN, VAT và thu nhập cá nhân; 70% đề xuất giảm lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, DN cũng yêu cầu các sở ngành hữu quan hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông sản đáp ứng yêu cầu và quy định của thị trường các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; bình ổn thị trường giá xăng dầu, điện; tạo cơ hội thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa của DN; tăng cường công tác chống hàng giả, hàng nhái…
 
Ông Ngô Văn Chơn đề xuất: Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về các khu công nghiệp gần như bị ngưng trệ hoàn toàn. Do đó, trong những tháng còn lại của năm, thành phố cần tập trung nhiều hơn cho hoạt động này để kích cầu thị trường trong nước. Ở mặt trận xuất khẩu, việc phát huy nội lực của mỗi DN đóng vai trò quyết định trong giai đoạn hiện nay. Bản thân mỗi DN phải có quá trình xây dựng thương hiệu lâu dài, có uy tín với khách hàng, thể hiện được trách nhiệm đối với xã hội… Ðây là những ưu điểm vượt trội, tạo thế cạnh tranh đối với các DN khác.
 
Theo ông Viên Tuấn Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Cần Thơ, sau đại dịch, hành vi tiêu dùng của người dân sẽ khác đi. Vì vậy, các DN nhỏ và vừa cần được hỗ trợ để điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. “DN Việt Nam đã bán nhiều sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử nước ngoài. Tác động từ COVID-19 có thể tạo cơ hội cho các DN phát triển kênh bán hàng tại thị trường nội địa thông qua nền tảng thương mại điện tử trong nước. Dù chậm nhưng DN vẫn phải bắt đầu ngay từ chuẩn bị nhân lực, hạ tầng… nếu không sẽ không thể bắt kịp xu hướng mới - tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử thay vì mua sắm trực tiếp” - ông Viên Tuấn Thanh nhấn mạnh.
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn thành phố ước thực hiện hơn 65.266 tỉ đồng, đạt 43,5% kế hoạch, giảm 2,57% so cùng kỳ năm 2019. Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước thực hiện 1,068 tỉ USD, đạt gần 31% kế hoạch, giảm 3,79% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 838,72 triệu USD, đạt 29,43% kế hoạch, giảm 5,1%; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện trên 230 triệu USD, đạt 38,34% kế hoạch, tăng 1,29%. Kim ngạch nhập khẩu thực hiện 233,66 triệu USD, đạt 10,17% kế hoạch, giảm 5,89% so với cùng kỳ.
 
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản