Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo hội nghị
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 15/8/2020, xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Trong đó, hai thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trường là Mỹ (tăng 32%) và Hàn Quốc (8,5%).
VASEP đánh giá, dịch Covid-19 đang tác động là cơ hội để ngành thủy sản thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới. Hiệp định EVFTA sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong những tháng cuối năm nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt thời cơ và ưu đãi thuế quan.
Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 3,4 tỷ USD. Riêng với xuất khẩu cá tra Việt Nam, tính đến ngày 15/8 thì giá trị xuất khẩu đạt trên 849 triệu USD, giảm xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam cũng lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm liên tục từ đầu năm đến nay.
Bà Tô Tường Lan - Phó tổng thư ký VASEP kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần dành sự quan tâm để xây dựng thương hiệu của cá tra Việt Nam. Nếu không có sự đổi mới sản phẩm, cá tra Việt Nam vẫn xuất khẩu bình thường nhưng sẽ không thể tăng trưởng được.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phải nhận định tình hình để đưa ra những giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2020, trong đó, chú trọng tăng cường sản xuất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu ngành thủy sản. Qua đó, góp phần giữ mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 41 tỷ USD trong năm 2020. Muốn vậy, cần phải làm được chất lượng tốt để người dân ăn được sản phẩm tốt, từ đó, truyền tải được thông điệp sự yêu thương của sản phẩm này ra thế giới.
Nguyệt Đỗ - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)