Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.
Kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng
Hiện nay, nước ta không chỉ có thế mạnh về sản xuất lúa gạo mà còn phát triển đa dạng được nhiều loại cây trồng vật nuôi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Mỗi năm nước ta có thể sản xuất hơn 48,6 triệu tấn lúa và bắp, trong đó sản lượng lúa ước đạt 43,98 triệu tấn. Còn sản lượng rau quả đạt 26,8 triệu tấn, rau và đậu các loại đạt 17,1 triệu tấn, các sản phẩm cây ăn trái và công nghiệp lâu năm đạt khoảng 4,58 triệu tấn. Thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đạt hơn 8 triệu tấn, các sản phẩm thịt và sữa đạt 6,5 triệu tấn, trứng hơn 13,8 tỉ quả, gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20,5 triệu m3.
Cả nước đã có hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản. Nhờ phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp gắn với đẩy mạnh chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu mà kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta không ngừng tăng trong các năm qua. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Từ năm 2015 đến 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 5-7%/năm và đã đạt 41,25 tỉ USD trong năm 2020. Có nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch tỉ USD như: rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, cá tra, gỗ”. Theo Bộ NN&PTNT, hiện các sản phẩm NLTS của nước ta đã có mặt tại hơn 196 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những năm qua, thị trường tiêu thụ NLTS được mở rộng cả ở quốc tế và trong nước. Ðặc biệt, xuất khẩu có sự chuyển mạnh sang thương mại chính ngạch và tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế như thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản.
Ðạt được nhiều kết quả tích cực nhưng có thể nhận thấy nhiều tiềm năng của ngành Nông nghiệp vẫn chưa khai thác thật hiệu quả. Tiêu thụ nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến, chế biến sâu, công nghiệp bảo quản của nhiều ngành hàng còn hạn chế. Nhiều loại nông sản như rau quả còn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch tương đối cao, tỷ lệ gia tăng của sản phẩm chế biến còn thấp và nông dân phải thường xuyên đối mặt với điệp khúc “rộ mùa, rớt giá”. Sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông sản cũng còn thấp do sản xuất manh mún nhỏ lẻ, giá thành cao, chưa có lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều… Do đó, việc tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ chế biến gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh đẩy phát triển thị trường nông sản là vấn đề cấp bách.
Khắc phục hạn chế khâu bảo quản
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng: “Việc tăng khả năng chế biến cho nông sản Việt Nam là rất cần thiết. Ðể làm được điều này, trước hết phải phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng và chú trọng sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao để đưa vào chế biến. Ðồng thời, tăng cường ứng dụng các máy móc và công nghệ mới. Hiện nay, nước ta đã có nhiều nhà máy chế biến nông sản nhưng số lượng nhà máy ứng dụng các công nghệ cao còn hạn chế, với khoảng hơn 50 nhà máy và công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Gần đây, có một số nhà máy lớn hiện đại, với công suất lớn được đầu tư phát triển như: nhà máy của Tập đoàn TH, nhà máy của Công ty Lavifood… Ðây là tín hiệu tích cực và cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nhà máy như vậy mới có thể chế biến và tiêu thụ hết các sản phẩm của người dân”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nông sản Việt Nam còn nhiều “dư địa” để nâng cao giá trị. Ðặc biệt, cần chú ý tập trung khắc phục hạn chế ở khâu bảo quản, chế biến và chủ động đa dạng các sản phẩm chế biến, tăng cường ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao chuỗi giá trị. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cần tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện tái cơ cấu theo định hướng chú trọng phát triển chế biến sâu, tăng chất lượng sản phẩm, hiệu năng, giảm chi phí, xây dựng thương hiệu, phân phối thị trường tốt.
Hiện nay, mới có khoảng 20-30% nông sản của nước ta xuất khẩu thông qua chế biến, còn nhiều nước trên thế giới đã có 80% nông sản xuất khẩu thông qua chế biến và giúp mang lại giá trị gia tăng rất lớn. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đẩy mạnh khâu chế biến, sẽ tạo ra giá trị vượt bậc và chia sẻ lợi ích đó lại cho người sản xuất. Việc nâng tỷ trọng nông sản qua chế biến gắn với phát triển xuất khẩu, không chỉ giúp tạo giá trị gia tăng cao mà còn giải quyết tình trạng nông sản vào mùa bị rớt giá do cung vượt cầu.
Tại hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021 do Bộ NN&PTNT vừa chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và TP Cần Thơ tổ chức, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã và sẽ tiếp tục quan tâm đồng hành cùng Bộ NN&PTNT đẩy mạnh các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào công nghiệp chế biến nông sản. Đồng thời, tăng cường hơn nữa các hoạt động hỗ trợ bảo hộ và khai thác các tài sản sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm nông sản. Tiếp tục phối hợp, hoàn thiện cơ chế, chính sách về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cổng thông tin quốc gia về truy xuất nguồn gốc, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các sản phẩm nông sản. Tính đến hết năm 2020, Bộ KH&CN phối hợp Bộ NN&PTNT đã công bố và thẩm định ban hành được 1.137 Tiêu chuẩn Việt Nam và 222 Quy chuẩn Việt Nam thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)