Đồng bằng sông Cửu Long: Khởi sắc xuất khẩu thủy sản

Thứ ba, 29 Tháng 6 2021 15:57 (GMT+7)
Mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thế nhưng, với sự chủ động từ đầu năm, cùng những nỗ lực của ngành chức năng, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp... đã tạo đột phá trong xuất khẩu thủy sản.
Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang.   Ảnh: H.THU
 
Tăng trưởng ấn tượng 
 
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, thời gian qua dù tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ít nhiều tác động đến xuất khẩu tôm. Cụ thể, nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường việc kiểm soát hàng thủy sản khi nhập khẩu vào nước họ nghiêm ngặt hơn. Song song đó, là tình trạng thiếu tàu vận chuyển, cước phí tăng… đã gây nhiều trở ngại cho việc xuất khẩu tôm. Khó khăn chung là vậy, song các doanh nghiệp phải linh động và đưa ra nhiều giải pháp thích ứng theo điều kiện thực tế. Từ đó, giúp nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt trong xuất khẩu mặt hàng tôm những tháng đầu năm 2021.
 
UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, nhờ chủ động nhiều giải pháp nên xuất khẩu tôm của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt tới 346,5 triệu USD, đứng thứ 2 của cả nước về xuất khẩu tôm (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh), đồng thời chiếm 10,4% trên tổng giá trị. Tại Cà Mau, nhiều năm nay có thế mạnh về nuôi và xuất khẩu tôm thì từ đầu năm đến nay cũng xuất khẩu được 315,2 triệu USD, chiếm 9,5% tổng giá trị mặt hàng tôm, đứng thứ 3 của cả nước. Các tỉnh khác ở ĐBSCL, tình hình xuất khẩu tôm cũng tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Cùng với xuất khẩu thì nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL tiếp tục mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Quắn, ở xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) cho hay: “Mấy tháng trước, giá tôm sú loại 30 con/kg tới 200.000-220.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn khoảng 170.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 30 con/kg hiện còn 130.000-140.000 đồng/kg… giá này người nuôi vẫn đảm bảo lợi nhuận. 8 công tôm của gia đình đã bán 2 đợt trong 5 tháng đầu năm, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng…”.
 
Đối với cá tra, sau thời gian dài ảm đạm thì gần đây tình hình có tín hiệu khả quan. Theo đó, Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu cá tra, với doanh số 5 tháng đầu năm đạt 271 triệu USD, chiếm 8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của cả nước…
 
Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, xuất khẩu của tỉnh tháng qua tăng 4,56% so với tháng trước và tăng 36,86% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu tăng là do giá trị xuất khẩu nhóm hàng thủy hải sản chế biến các loại của các doanh nghiệp đang có bước phục hồi tích cực và có giá trị tăng trở lại. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, UKFTA, CPTPP) có hiệu lực là đòn bẩy tạo ra động lực phát triển trong hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ chưa có điểm dừng tại Ấn Độ và một số quốc gia khác có thế mạnh nuôi tôm xuất khẩu hiện đang có sản lượng sụt giảm mạnh, do đó đã tạo nhiều cơ hội cho các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặc dù dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các nước nhập khẩu vẫn tăng trong khi nguồn cung lại giảm đã đẩy giá xuất khẩu các mặt hàng này tăng theo.
 
Thị trường thuận lợi
 
 Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, xuất khẩu thủy sản của nước ta đang phục hồi. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 120 thị trường; trong đó Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia... là những thị trường xuất khẩu thủy sản có trị giá lớn nhất. Đối với con tôm đang được ưu thế là nhu cầu nhập khẩu trên thế giới tăng khá mạnh, đặc biệt ở những thị trường lớn. Trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan và những nhà cung cấp khác bị giảm, do chịu tác động xấu từ dịch Covid-19. Tận dụng việc này, các doanh nghiệp của nước ta đã tăng tốc xuất khẩu tôm trong những tháng đầu năm và thu về kết quả tốt. Cũng theo dự báo, thời gian tới Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường có mức tăng trưởng tốt đối với mặt hàng tôm của Việt Nam, bởi Ấn Độ gặp khó về nguồn cung do dịch Covid-19. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng gia tăng xuất khẩu mặt hàng tôm vào EU, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, mà trọng tâm là các thị trường Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia...
 
Đối với thị trường Hàn Quốc cũng đang có những tín hiệu hồi phục tốt, kinh tế tăng trưởng khả quan, vì thế thương mại thủy sản với các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Các thị trường khác như Australia, Canada, Anh, Nga… sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản tới đây, bởi nhu cầu gia tăng và không gặp những bất ổn hay rào cản thị trường… Có thể nói, tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng tiếp theo vẫn đạt kết quả khả quan do có nhiều lợi thế từ hiệp định FTA; cùng một số thuận lợi khác. 
 
Về mặt hàng cá tra, nguồn cung đang ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021. Từ quý III-2021, cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cá tra tới những thị trường lớn và truyền thống là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN. Ngoài ra, những thị trường đang phục hồi là Nga và Anh, cũng cần đặc biệt lưu ý; còn những thị trường ở Nam Mỹ và thị trường nhỏ khác chưa thể kỳ vọng tăng trưởng trở lại ngay. Điểm thuận lợi hiện nay là Mỹ đang tăng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Đối với xuất khẩu cá tra vào EU, từ mức tăng trưởng âm 30% trong quý I, EU không thể tăng trưởng đột biến ngay trong quý II, khi những tín hiệu hồi phục nhu cầu của ngành dịch vụ thực phẩm chưa rõ ràng…
 
Để thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), kiến nghị Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản; có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh; Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ phí, cước vận chuyển đường hàng không và đường biển đối với các thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Trung Đông) để tăng năng lực cạnh tranh và giảm chi phí giá thành cho doanh nghiệp. Đại sứ Việt Nam, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp… tại các nước cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến dịch Covid-19, tác động đến thị trường tiêu thụ, đặc biệt là những quy định mới, thị hiếu và nhu cầu nhập khẩu thủy sản của nước sở tại nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản ứng phó kịp thời.
 
Các ngành chức năng cũng kiến nghị Tổng cục Thủy sản đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng nuôi, đặc biệt là đối với vùng nuôi tôm để tạo điều kiện tuân thủ quy định về truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu; đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh các quốc gia đối thủ đang chịu sự tác động, thiệt hại nặng nề của đại dịch Covid-19 như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… Phía Cục Thú y rà soát các quy định liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thủy sản, phục vụ gia công chế biến, xuất khẩu…
 
Ngoài ra, nhiều hộ nuôi tôm ở ĐBSCL trăn trở khi giá thức ăn cho tôm liên tục tăng lên mức 800.000-900.000 đồng/bao (20kg), nhiên vật liệu tăng, cộng với tình trạng dịch bệnh làm tôm chết còn nhiều, sẽ đẩy chi phí giá thành sản xuất tăng lên; trong khi giá tôm có chiều hướng sụt giảm. Tất cả là những áp lực đè lên người nuôi tôm ở ĐBSCL, cần có giải pháp ứng phó hợp lý để đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới…
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong tháng 5-2021 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 790 triệu USD, tăng 24%; tính chung xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 đạt 3,27 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,33 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ; sản phẩm cá tra đạt 623,7 triệu USD, tăng 12,2%... đây là kết quả ấn tượng trong thời buổi mà nhiều mặt hàng nông sản khác đang vất vả về đầu ra.
H.TÂN - H.THU - (baohaugiang.com.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản