Xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc: Thiếu lộ trình thì đi mãi không đến đích!

Chủ nhật, 13 Tháng 3 2022 16:50 (GMT+7)
Để chuyển đổi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc từ tiểu ngạch sang chính ngạch, cần chấm dứt tư duy dễ dãi, định ra lộ trình cụ thể để tổ chức lại phương thức sản xuất và bán hàng
 
Sau buổi tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 3, mới đây, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng về khả năng chuyển đổi xuất khẩu nông sản từ tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc.
 
Bắt đầu từ chất lượng
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết thách thức đối với hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện nay là thị trường này ngày càng giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới nhưng nay cũng không thể nhập khẩu vào Trung Quốc.
 
Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. "Chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất cho họ. Chẳng hạn, Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường bị động" - ông Toản thông tin.
 
Tại buổi làm việc, đa số ý kiến cho rằng cần có sự thay đổi trong tư duy và định vị lại thị trường Trung Quốc với các mặt hàng nông sản. Cần xem Trung Quốc là thị trường lớn, có những yêu cầu nghiêm ngặt với các sản phẩm và đẩy mạnh xuất nhập khẩu chính ngạch.
 
Ông Phạm Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á - Bộ Ngoại giao, cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh thương mại chính ngạch gắn với các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Bình, hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đã nâng từ cơ bản lên chất lượng và tiến tới an toàn, lành mạnh. Do đó, các tiêu chuẩn áp dụng lên sản phẩm cũng tăng theo, không chỉ với hàng nhập khẩu mà ngay cả các nông sản do Trung Quốc sản xuất.
 
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết chuyển đổi xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc từ tiểu ngạch sang chính ngạch cần làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với phương thức xuất khẩu tiểu ngạch đang tồn tại, cần có phương án duy trì hợp lý và giảm dần theo từng giai đoạn. "Vấn đề mấu chốt để chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch là phải bảo đảm được quy trình sản xuất và tiêu chuẩn của sản phẩm" - ông Khuê lưu ý.
 
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận Phạm Văn Tấn cho biết thời gian tới, địa phương này sẽ tổ chức lại sản xuất để có được các sản phẩm an toàn, đi vào xuất khẩu chính ngạch theo yêu cầu của các thị trường. Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cũng đề xuất về việc xây dựng những mô hình điểm về sản xuất với quy trình và chất lượng bảo đảm, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người có thể học theo, làm theo, nâng cao chất lượng chung cho toàn vùng.
 
XUẤT KHẨU NÔNG SẢN CHÍNH NGẠCH SANG TRUNG QUỐC: Thiếu lộ trình thì đi mãi không đến đích! - Ảnh 1.
Thanh long không xuất sang Trung Quốc được phải chở về “giải cứu” ở Hà Nội
 
Đường dài, phải đi mới đến
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp thì các địa phương cũng cần chủ động. "Việc xác định chính ngạch hay tiểu ngạch không chỉ nằm ở phương thức giao hàng mà còn là phương thức sản xuất và phương thức bán hàng. Ở khâu bán hàng, có thể nhìn thấy bài học của các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La, đó là sự tham gia quyết liệt của lãnh đạo địa phương" - ông Hải nói.
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là "cuộc cách mạng," cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng.
 
"Đây là vấn đề lâu dài, khó, tồn tại đã nhiều năm nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, không có lộ trình thì sẽ mãi không đến đích. Do đó, cần xây dựng lộ trình, thang đo, định vị được thị trường Trung Quốc và đưa ra được trách nhiệm của các bên" - Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
 
Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, cần khơi thông tư duy đối với thị trường Trung Quốc, tránh tình trạng chập chờn, dễ dãi dẫn đến việc sản xuất thả nổi, mùa vụ. Muốn hiểu rõ được thị trường này, ngoài Bộ NN-PTNT, cần có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và trên hết là sự vào cuộc thực chất, hiệu quả từ các hiệp hội ngành hàng. Các bên cần tăng cường sự liên kết để nâng cao hiệu quả trong kinh doanh và xúc tiến thương mại.
 
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đặc biệt lưu ý muốn thành công xuất khẩu nông sản chính ngạch vào Trung Quốc, cần rất nhiều nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành liên quan; sự sẵn lòng tham gia và đồng thuận của doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong tổ chức lại sản xuất và cách tiếp cận mới đối với thị trường này. 
 

 

Bài viết mới nhất của Ngành Chế biến - Nông sản - Thủy sản