Ngày 4-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chủ một doanh nghiệp cung cấp sầu riêng cho nhiều siêu thị và trái cây sạch tại TP HCM cho biết hiện chỉ đang theo dõi thị trường chứ không mua bán gì vì giá sầu riêng tăng cao chưa từng có. "Hôm nay, các mối báo lên giá sầu riêng tại vườn là 180.000 - 190.000 đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục mà ngành sầu riêng ghi nhận được. Ở thị trường trong nước, nếu giá sầu riêng tại vườn dưới 100.000 đồng/kg thì mới đưa vào các kênh bán lẻ được" - chủ doanh nghiệp này cho hay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng xác nhận từ cận Tết đến nay, giá sầu riêng đang ở mức rất cao. "Sầu riêng hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng cũng không được bao nhiêu vì đứt lứa, khan hàng, nhất là hàng đạt chuẩn thị trường này. Thời điểm hiện tại, chỉ có một số vùng ở ĐBSCL có sầu riêng thu hoạch, còn miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên chưa đến mùa nên sản lượng ít trong khi Tết nhu cầu tiêu thụ tăng. Khoảng 1 tuần nữa sẽ có thêm vùng trồng tại Sóc Trăng thu hoạch thì hàng đỡ khan hiếm hơn" - ông Tùng thông tin.
Sầu riêng đang khan hàng, giá cao Ảnh: AN NA
Giá sầu riêng tăng cao gần đây khiến nhà vườn tại ĐBSCL rất phấn khởi. Ông Thẩm Văn Tiếu (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho hay ông vừa bán khoảng 1 tấn sầu riêng Ri6 và Monthong với giá cao chưa từng có. "Hiện là sầu riêng nghịch vụ, tuần trước, thương lái đến tận vườn thu mua 155.000 đồng/kg, còn Monthong thì 180.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục mà trong nhiều năm trồng sầu riêng tôi bán được" - ông Tiếu bày tỏ.
Trong khi đó, trước Tết, gia đình bà Huỳnh Thúy Hồng (ngụ xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) đã bán hơn 4 tấn sầu riêng Ri6 với giá 115.000 đồng/kg, rất cao so với mức đỉnh mà bà từng bán là 80.000 đồng/kg. "Tôi đang chăm sóc vườn sầu riêng để chính vụ có năng suất cao. Hiện nước mặn đã bắt đầu vào nên phải theo dõi kỹ và chủ động nguồn nước tưới" - bà Hồng nói.
Ghi nhận tại TP Cần Thơ, giá sầu riêng dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg. "Hiện tại ở các huyện Phong Điền, Thới Lai, rất ít hộ còn sầu riêng để bán, phần lớn các vườn đang trong giai đoạn ra nhụy, trái non. Giá sầu riêng tăng mạnh do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc và thời điểm nghịch vụ nên khan hàng" - ông Lê Văn Tám, một thương lái thu mua sầu riêng tại TP Cần Thơ, nói.
Nhờ giá sầu riêng tăng cao nên loại cây trồng này đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, việc giá sầu riêng tăng "nóng" cũng đem lại nhiều rủi ro khi thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc với những yêu cầu khắt khe qua đường xuất nhập khẩu chính ngạch. Hiện những vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc còn ít và việc tăng thêm vùng trồng này phụ thuộc nhiều vào phía nước bạn.
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đơn vị đã phối hợp địa phương tại các vùng trồng để phổ biến kiến thức, quy định thị trường cho nông dân và doanh nghiệp có mong muốn xuất khẩu sầu riêng cho thị trường Trung Quốc. Đây là bước đi chủ động để sớm được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh có 9.000 ha trồng sầu riêng nhưng chỉ mới có 500 ha được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. "Sầu riêng của tỉnh từ tháng 4 mới có thu hoạch. Chúng tôi đã nộp hồ sơ cho nhiều vùng trồng đủ điều kiện và đang chờ được phê duyệt để tham gia xuất khẩu khi vụ thu hoạch đến" - ông Sinh chia sẻ.