Đưa nông sản an toàn đến gần người dân hơn

Thứ ba, 01 Tháng 9 2020 07:30 (GMT+7)
Các mô hình cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn đều phù hợp với nhu cầu của người dân, đáp ứng tiêu chí “bữa ăn an toàn” của gia đình hiện đại. Bên cạnh các cửa hàng tiện ích, những quầy, sạp đưa nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc vào kinh doanh trong chợ truyền thống ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm.
Hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh mở rộng đến nông thôn
 
Thu hút người mua
 
Khi đa phần tiểu thương ở chợ Bình Khánh (TP. Long Xuyên) vẫn buôn bán các loại thực phẩm bình thường thì cô Cẩm Tú quyết định kinh doanh các loại rau, củ, quả được trồng theo tiêu chí an toàn. Lúc đầu, sản phẩm bán chậm do giá cao hơn chút đỉnh so các loại đồ rẫy thông thường, nhưng sau một thời gian, lượng khách hàng tăng lên, số lượng tiêu thụ khá ổn định. “Khuynh hướng của các bà nội trợ ngày nay không chỉ là có bữa ăn ngon miệng mà còn phải tốt cho sức khỏe của gia đình. Thay vì mua nông sản không rõ nguồn gốc, giá rẻ thì nhiều người chấp nhận mua ít hơn đôi chút nhưng an toàn, chất lượng hơn, truy xuất được nguồn gốc” - cô Cẩm Tú chia sẻ.
 
Tương tự, đối với chợ Mỹ Bình, dù giá nhiều loại lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cao hơn ít nhiều so các chợ truyền thống khác trên địa bàn TP. Long Xuyên nhưng thu hút rất đông khách hàng mua sắm, đặc biệt là những quầy, sạp kinh doanh rau an toàn, thịt heo an toàn… “Khách hàng ở đây mua bán riết quen mặt. Nhiều người nói mua thực phẩm chỗ khác không yên tâm nên cứ ghé vào đây mua cho chắc” - chủ cửa hàng thịt heo an toàn Sáu Cúc thông tin.
 
Cùng với những quầy, sạp kinh doanh nông sản an toàn trong chợ truyền thống thì các cửa hàng nông sản an toàn, cửa hàng tiện ích đang thu hút khách bởi sản phẩm có dán mã vạch truy xuất nguồn gốc, giá cả được niêm yết rõ ràng, công khai. “Mấy đứa nhỏ thích ăn cánh gà, đùi gà chiên bột giòn, chiên nước mắm.
 
Tuy nhiên, khi mua thịt gà đông lạnh ngoài chợ, mình không biết sản xuất khi nào, hạn sử dụng đến đâu, quy trình bảo quản ra sao, nguồn gốc thế nào... Để an tâm, tôi thường ghé Bách Hóa Xanh mua các sản phẩm thịt, cá đông lạnh. Còn với rau, củ, quả, tôi chọn mua ở các cửa hàng nông sản an toàn, mua trong siêu thị hoặc sạp rau an toàn trong chợ” - chị Nguyễn Thị Liên (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) bộc bạch.
 
Mặc dù khuynh hướng tiêu dùng thực phẩm, nông sản an toàn đang ngày càng phổ biến nhưng trên thực tế, mới chỉ dân thành thị dễ tiếp cận được sản phẩm an toàn thực chất, trong khi người dân nông thôn khó tiếp cận hơn hoặc mới chỉ tiếp cận được sản phẩm an toàn “tự xưng”, chưa được cơ quan chức năng chứng nhận. Do vậy, ngày 26-5-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu ban đầu là xây dựng tối thiểu tại mỗi thị trấn của từng huyện có 1 cửa hàng nông sản an toàn để phục vụ người dân.
 
“Tiếp sức” khuynh hướng tiêu dùng mới
 
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành liên quan và các địa phương, sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, đến nay, tỉnh đã triển khai xây dựng được 11 cửa hàng nông sản an toàn tại 10 huyện, thị xã, thành phố (riêng huyện Tịnh Biên chưa xây dựng được). Trong đó có 10 cửa hàng được nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần và 1 cửa hàng từ nguồn ngân sách của địa phương.
 
Qua quá trình hoạt động, các cửa hàng đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, có 3 cửa hàng (tại TX. Tân Châu, Tri Tôn, Chợ Mới) hoạt động không hiệu quả nên ngừng kinh doanh. Nguyên nhân do giá bán của các sản phẩm rau, củ, quả an toàn cao hơn từ 10-30% so các sản phẩm thông thường tại các chợ truyền thống, sản lượng chỉ đạt 20-50kg/cửa hàng/ngày, lượng tồn không bán được phải hủy bỏ nhiều nên ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.
 
Ông Hùng cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển hạ tầng thương mại, đẩy nhanh việc phát triển cửa hàng nông sản an toàn đến các xã, phường, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng trong tỉnh, Sở Công thương đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn An Giang.
 
Kết quả, từ đầu năm 2019 đến tháng 6-2020, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động 78 cửa hàng tiện lợi có bán sản phẩm rau an toàn với giá không cao hơn nhiều so các sản phẩm rau thông thường tại chợ, thậm chí có một số sản phẩm bằng hoặc thấp hơn để phục vụ người tiêu dùng địa phương. Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh đã phát triển 58 cửa hàng Bách Hóa Xanh ở 11 huyện, thị xã, thành phố; Công ty Cổ phần DV-TM Vincommerce phát triển 20 cửa hàng Vinmart+ tại TP. Long Xuyên. Theo đánh giá của đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh ở nông thôn có doanh thu bán hàng tốt hơn ở thành thị.
 
“Như vậy, đến nay trên địa bàn An Giang đã phát triển được 89 cửa hàng có bán các mặt hàng nông sản an toàn phục vụ người tiêu dùng (6 cửa hàng đã ngưng hoạt động), vượt 4 lần so kế hoạch đề ra của tỉnh (phát triển 19 cửa hàng). Ngoài các thị trấn thì cửa hàng Bách Hóa Xanh đã vươn tới phục vụ một số xã nông thôn. Đây là khuynh hướng được An Giang khuyến khích phát triển trong thời gian tới” - ông Hùng đánh giá.
 
Cùng với tạo điều kiện phát triển các cửa hàng nông sản an toàn, Sở Công thương còn tích cực phối hợp tổ chức các buổi làm việc, kết nối đưa sản phẩm rau, củ, quả của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp của tỉnh vào kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ưu tiên mua sắm sản phẩm nông sản an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ Chợ - Trung Tâm Siêu Thị