Tăng giá hằng tuần
Cũng theo ông Huy, cứ mỗi lần có lô hàng mới về là hệ thống lại nhận được báo giá tăng đáng kể so với lô trước dù cùng một mã hàng, trung bình mức tăng khoảng 400.000-600.000 đồng/máy. "Hàng về rất chậm, nhiều lô đặt từ tháng 5 nhưng tới giữa tháng 6 vẫn chưa thấy hàng về, thậm chí nhiều dòng không chắc có hàng trong quý III năm nay" - ông Huy cho biết.
Nhu cầu tìm mua laptop tăng rất cao trong mùa dịch
Tương tự, tại hệ thống Di Động Việt, tình trạng lỗi hẹn với khách mua máy tính xảy ra khá phổ biến. "Nguồn hàng thiếu hụt trầm trọng, về được chiếc nào là bán hết ngay chiếc đó. Chúng tôi liên hệ với các hãng thì hãng hẹn hết tháng này sang tháng khác trong khi nhu cầu tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều khách hàng phản ứng rất gay gắt vì đại lý lỡ hẹn họ 2 tuần có máy nhưng hãng không có hàng để chuyển về kịp" - ông Nguyễn Ngọc Đạt, Tổng Giám đốc Di Động Việt, than phiền.
Nhiều hệ thống bán lẻ thông tin nhu cầu mua laptop, máy tính bảng tăng 50%-100% so với cùng kỳ khiến các nhà phân phối không đủ hàng cung ứng. Các nhà sản xuất, lắp ráp thì xác nhận không chỉ laptop thiếu hàng mà linh kiện lắp ráp máy tính để bàn cũng thiếu trầm trọng, đặc biệt là GPU - bộ vi xử lý phân tích dữ liệu về hình ảnh, đồ họa.
Theo ghi nhận của phóng viên, các hãng công nghệ trên thế giới đang đua nhau tăng giá liên tục với mặt hàng laptop. Chẳng hạn, các đợt điều chỉnh tăng giá của Dell chỉ cách nhau một tuần với mức tăng từ 10-100 USD/tùy mẫu. Tương tự, trong tháng 5, Acer tăng giá 5%-10%, HP tăng 10%, Asus và Lenovo tăng 500.000 - 1 triệu đồng/chiếc… so với hồi đầu năm. Ngoài ra, màn hình của Dell, Samsung cũng đã có 2 đợt tăng giá trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng thêm.
Nhu cầu tăng đột biến
Các hãng công nghệ nhìn nhận thị trường đang diễn biến theo chiều hướng rất đặc biệt. Thông thường, nửa đầu năm, tiêu thụ máy tính các loại thường ì ạch bởi không phải mùa cao điểm. Hơn nữa, sức mua máy tính vài năm gần đây cũng tăng chậm do đã bão hòa. Bởi vậy, các hãng và đại lý thường xuyên phải giảm giá mẫu cũ để đẩy hàng đi. Trong khi đó, tiêu thụ máy tính toàn thị trường từ đầu năm 2020 đến nay lại tăng đột biến. Cụ thể, năm 2020, tiêu thụ máy tính xách tay toàn thị trường đạt 830.000 chiếc, tăng khá cao so với trước đó. Còn 5 tháng đầu năm 2021, cả nước tiêu thụ đến 400.000 laptop các loại và dự kiến cả năm 2021 sẽ là 1,3 triệu chiếc.
Các hãng cho biết với tình hình hiện tại, chỉ có thể duy trì sản xuất và cung ứng theo kiểu "ăn đong", tức là thực hiện kế hoạch trong ngắn hạn. Đại diện Acer tại Việt Nam thừa nhận hãng mới chỉ lên kế hoạch từ tháng 5 đến tháng 7-2021, mỗi tháng nhập về với số lượng gấp đôi so với tháng trước. Từ tháng 8 trở đi, hãng chưa có kế hoạch cụ thể tại thị trường Việt Nam.
Số liệu khảo sát trong tháng 4 cho thấy nguồn cung toàn thị trường thế giới sụt giảm đến 30% do thiếu hụt nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất bộ vi mạch, màn hình... Đại diện hãng Asus cho rằng giải pháp điều tiết nguồn cung không thể thực hiện đơn lẻ ở từng thị trường mà phải xử lý từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản xuất. Khi nguồn cung linh - phụ kiện dồi dào hơn, quy trình sản xuất và cung ứng ổn định hơn thì mới giải quyết được tình trạng khan hàng. Trong thời gian này, Asus Việt Nam cố gắng làm việc chặt chẽ với nhà máy, nhà phân phối và đại lý để có được nguồn hàng, phân bố hợp lý cho thị trường trong khả năng có thể.
Năm 2020, tiêu dùng ở ngành máy tính xách tay tăng trưởng 20% - mức tăng đột biến so với đồ thị tương đối phẳng về tăng trưởng trong các năm trước. Năm 2021, dù nhu cầu tiếp tục tăng cao nhưng dự kiến tăng trưởng tiêu thụ toàn ngành chỉ khoảng 10%-20%, chủ yếu đến từ số ít các hãng công nghệ đáp ứng được nhu cầu.
Bài và ảnh: Nguyễn Hải - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)