Mới đây nhất, chỉ trong ngày 20/6 đã xảy ra hai vụ cháy xe khách trơ khung. Theo đó, trưa 20/6, chiếc xe khách giường nằm loại 45 chỗ mang BKS 37B - 023.40 đang lưu thông trên quốc lộ 1A, tới giữa cầu Nguyệt Viên (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), tài xế phát hiện khói bốc lên từ khu vực đầu xe.
Do trời nắng nóng, vật dụng trên xe dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát mạnh. Sau gần 20 phút, đám cháy đã được khống chế, song ô tô bị thiêu rụi trơ khung.
Vụ cháy xe khách trên đường Vành đai 3.
Tối cùng ngày,trên đường Vành đai 3, đoạn gần Công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội), xảy ra vụ cháy ô tô khách loại 45 chỗ. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn trên xe không có hành khách. Tài xế sau khi phát hiện lửa bốc cháy đã nhanh chóng rời khỏi xe nên đảm bảo an toàn.
Trước đó, trưa 10/6, một xe khách giường nằm đang chạy theo hướng Bắc Kạn - Cao Bằng bất ngờ bị bốc cháy tại khu vực Đèo Gió. May mắn toàn bộ hành khách được sơ tán kịp thời tuy nhiên, vụ cháy đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng trên đèo.
Khoảng 10h ngày 18/6, một xe khách giường nằm bất ngờ bốc cháy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chiếc xe phát cháy từ phần đuôi và chỉ sau ít phút đã bị thiêu rụi, chỉ còn trơ lại khung sắt.
Cháy nổ ô tô do "độ " thiết bị điện
Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), trong tổng số vụ cháy xe Viện trưng cầu giám định thì một nửa nguyên nhân các vụ cháy do sự cố về điện, 20% sự cố về kỹ thuật, 15% do quấn rơm rạ tiếp xúc với ống xả... Nhưng trên hết, sự bất cẩn của lái xe và việc bỏ qua những quy định an toàn góp phần dẫn đến những nguyên nhân trên.
Ông Nguyễn Hữu Trí, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: "Xe cũ, sử dụng lâu và những xe hoạt động với cường độ lớn gây ra quá trình phát sinh nhiệt, hệ thống rò rỉ nhiên liệu, hệ thống ống xả không kín gây ra cháy xe. Cũng có thể do hàng hóa chuyên chở trên xe hoặc do điều kiện môi trường nóng. Những nguồn cháy từ bên ngoài như rơm rạ, khi xe di chuyển qua sẽ cuộn lên gầm xe gây cháy xe".
Như vậy, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống điện là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra cháy nổ phương tiện. Thế nhưng, trên thực tế, gần như 100% xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện trong khi đó, hệ thống điện trên xe khách chỉ là điện một chiều 24V.
Để tải điện cho các thiết bị, các nhà xe tự chế hoặc lắp các bộ kích điện đưa lên thành 220V. Nguy cơ chập điện và cháy nổ rất lớn. Bên cạnh đó, hệ thống dây dẫn đến các loại thiết bị chế thêm như ti vi, tủ lạnh cũng dễ xảy ra chập, cháy.
Theo Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ đầu năm nay, hành vi lắp đặt hệ thống đèn bên ngoài có thể bị phạt tới 1 triệu đồng. Còn việc đấu nối thêm thiết bị điện trên xe hiện vẫn khó xử lý vì vậy, nguy cơ chập điện gây cháy nổ vẫn rình rập trong thời tiết hè khô nóng.