Đổi mới, nâng chất lượng xe buýt thu hút hành khách

Thứ tư, 22 Tháng 7 2020 07:27 (GMT+7)
Hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn thành phố thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ giao thông công cộng, TP Cần Thơ đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, tăng sức hấp dẫn cho xe buýt.
Xe buýt xuống cấp
Xe buýt xuất bến tại điểm đầu - điểm cuối xe buýt đường Nguyễn Văn Linh, quận Ninh Kiều.
 
Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ, thành phố có 41 xe buýt, trong đó, 12-13 xe tham gia hoạt động trên 4 tuyến. Bao gồm: tuyến số 10 (phường Ba Láng) - trạm Ô Môn hoạt động 4 xe/ngày, tần suất 40-45 phút/xe; tuyến trạm Ô Môn - Lộ Tẻ hoạt động 4 xe/ngày, tần suất 45-50 phút/xe; tuyến Ô Môn - Cờ Đỏ hoạt động 2 xe/ngày, tần suất 50-60 phút/xe; tuyến Lộ Tẻ - Kinh B hoạt động 2 xe/ngày, tần suất 50-60 phút/xe. Trong 41 xe, có 7 xe liên doanh và 34 xe thuộc Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC. Bên cạnh các tuyến nội tỉnh, có 5 tuyến xe buýt liên tỉnh hoạt động trên địa bàn thành phố đến từ Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang và Đồng Tháp.
 
Xe buýt là phương tiện VTHKCC, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố, nhất là những người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên... Tuy nhiên, thống kê của Sở GTVT thành phố, VTHKCC hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% tổng nhu cầu đi lại trên địa bàn. Nguyên nhân do việc phát triển hệ thống xe buýt ở Cần Thơ thời gian qua gặp một số hạn chế như: đa số phương tiện hoạt động trên các tuyến đều là xe cũ, đã qua sử dụng nhiều năm nay; xe buýt không có máy lạnh, không thuận tiện trong thời tiết nắng nóng… dẫn đến người dân sử dụng xe buýt ngày càng ít. Mặt khác, tất cả các tuyến xe buýt trên địa bàn đều không được trợ giá, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nên một số xe dừng hoạt động.
 
Chú Nguyễn Văn Thanh ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, chia sẻ: "Đi xe buýt có ưu điểm là giá tiền rẻ nên tôi vẫn dùng xe buýt cho việc di chuyển. Tuy nhiên, xe hiện giờ đã cũ kỹ, không có máy lạnh những lúc nắng nóng rất khó chịu. Tôi nghĩ nếu xe buýt được đầu tư mới, sạch, chất lượng tốt sẽ thu hút nhiều hành khách hơn".
 
Cần nâng chất lượng
 
Trước thực trạng trên, nâng cao chất lượng phương tiện xe buýt theo hướng hiện đại, tiện nghi, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại của người dân, tháng 10-2019, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2021. Thành phố đề ra mục tiêu tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt tại TP Cần Thơ đến năm 2020 đạt từ 5-10%.
 
Để thực hiện mục tiêu trên, cuối tháng 6-2020, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1277/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC trực thuộc Sở GTVT thành phố. Trung tâm có chức năng thực hiện công tác quản lý, điều hành và giám sát VTHKCC trên địa bàn thành phố. Trong năm 2020, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp được ngân sách bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Từ năm 2021 trở đi, căn cứ nguồn thu của đơn vị sẽ xây dựng lại cơ chế tài chính trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
 
Tiếp đó, UBND TP Cần Thơ công bố danh mục mạng lưới 5 tuyến VTHKCC bằng xe buýt nội tỉnh trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo đó, thành phố mở mới 5 tuyến xe buýt không trợ giá, bao gồm: tuyến Ba Láng - Cờ Đỏ với cự ly 54,9km; tuyến Lộ Tẻ - Vĩnh Thạnh cự ly 62,5km; tuyến Ô Môn - Kinh B cự ly 58,4km; Sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Điền cự ly 53,1km; tuyến Sân bay Cần Thơ - Bến xe khách Trung tâm TP Cần Thơ cự ly 21,6km. Dự kiến số lượng xe buýt là 138 xe và 501 điểm dừng, nhà chờ; tần suất 15 phút/xe. Trên cơ sở đó, Sở GTVT TP Cần Thơ xây dựng quy trình lựa chọn và ban hành kế hoạch lựa chọn đơn vị khai thác tuyến VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thông báo đến doanh nghiệp trong và ngoài thành phố quan tâm tham gia đầu tư khai thác 5 tuyến xe buýt trên. Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Kể từ khi thông báo, đến ngày 16-7-2020, đã có 3 doanh nghiệp quan tâm, tìm hiểu đầu tư khai thác các tuyến xe buýt trên.
 
Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: 5 tuyến xe buýt mở mới nhìn chung là các tuyến giao thông huyết mạch của thành phố. Trong đó, kết nối Sân bay quốc tế Cần Thơ với bến xe khách trung tâm và các điểm du lịch; kết nối các trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn; kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Qua tính toán sơ bộ, nếu các doanh nghiệp tham gia đầu tư đảm bảo chất lượng xe, phục vụ tốt sau năm đầu khai thác, doanh nghiệp có thể có lãi. Sở GTVT thực hiện lựa chọn đơn vị khai thác tuyến xe buýt theo đúng quy trình, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 5 tuyến xe mới, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân …
 
Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư khai thác 5 tuyến VTHKCC bằng xe buýt
 
Theo Sở GTVT thành phố, đó là đơn vị mới có tiềm lực, đáp ứng các tiêu chí: phương tiện đưa vào khai thác phải hoàn toàn mới; xe có máy lạnh, đầy đủ trang thiết bị kể cả sàn xe thấp dành cho người khuyết tật… Khi nhà đầu tư tham gia đề xuất phương án khai thác tuyến, lộ trình của 5 tuyến xe buýt nêu trên có thể điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế. Nhà đầu tư được quyền khai thác quảng cáo trên thân xe ứng với số phương tiện xe buýt của nhà đầu tư khai thác trên các tuyến. Đồng thời, được quyền khai thác các bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu - điểm cuối xe buýt và các dịch vụ khác do nhà đầu tư xây dựng theo quy định.
 
Bài, ảnh: T. TRINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ GTVT - Xe Khách - Taxi