Ngày 14-4, Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (gọi tắt là GSM) chính thức đưa dịch vụ taxi thuần điện đầu tiên tại Việt Nam - Xanh SM - vào hoạt động tại TP Hà Nội.
Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc GSM, cho biết theo kế hoạch, sau khi taxi Xanh SM hiện diện tại Hà Nội, dịch vụ này sẽ được triển khai tại TP HCM ngay trong tháng 4-2023, đồng thời tiếp tục phủ sóng tại ít nhất 5 tỉnh, thành phố trong năm nay.
Từ ngày 14-4, khách hàng có thể đặt dịch vụ taxi Xanh SM qua số tổng đài toàn quốc 1900 2088 hoặc qua ứng dụng taxi Xanh SM (tải trên kho ứng dụng App Store và Google Play Store). Khách hàng cũng có thể đón xe tại các trung tâm thương mại Vincom, địa điểm công cộng hoặc vẫy xe trực tiếp trên đường. Trong tháng 5-2023, khách hàng có thể gọi taxi Xanh SM thông qua dịch vụ BeVinFast trên nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be.
Xe điện taxi của hãng Lado đón khách tại Bến xe liên tỉnh Đà Lạt .Ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh sự ra đời của GSM và taxi Xanh SM nhằm hưởng ứng mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó có nỗ lực giảm thiểu phát thải từ các phương tiện giao thông. Taxi Xanh SM không chỉ mang đến lựa chọn phương thức di chuyển mới mà còn hướng tới kết nối và hình thành hệ sinh thái di chuyển xanh - thông minh trên cả nước.
Giá mở cửa cho 1 km đầu tiên của dịch vụ GreenCar là 20.000 đồng. Với 24 km tiếp theo, giá cước đối với xe VF 5 Plus là 14.000 đồng/km, với xe VF e34 là 15.500 đồng/km. Từ km thứ 26 trở đi, giá cước lần lượt là 12.000 đồng/km đối với xe VF 5 Plus và 12.500 đồng/km với VF e34. Mức giá cố định dành cho dịch vụ LuxuryCar là 21.000 đồng/km cho toàn bộ hành trình.
Trước khi GSM ra mắt dịch vụ taxi Xanh SM, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Đồng Thúy - đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi, đã ký hợp đồng thuê và mua số lượng lớn ôtô điện với GSM và Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast để mở rộng hoạt động kinh doanh taxi điện tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Định... Lado Taxi đặt mua 40 xe VF e34 bổ sung vào đội xe điện VF e34 đã đi vào vận hành chuyên nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng cách đây 1 năm. Song song đó, hãng taxi này cũng ký hợp đồng thuê 300 xe VF e34 và 200 xe VF 5 Plus thông qua GSM.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy, thực tế triển khai dịch vụ taxi điện trong một năm qua cho thấy những lợi thế vượt trội như không mùi, không tiếng ồn, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng...
Thông tin thêm, ông Dương Kim Thế Tuyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy cho hay sau một năm sử dụng xe điện, doanh nghiệp (DN) ghi nhận chi phí vận hành giảm 32%-37% so với xe xăng. Khách hàng phản hồi tốt và ưu tiên lựa chọn dịch vụ xe điện. Tuy thời gian vận hành ban đầu có một số trục trặc nhưng DN đã sớm khắc phục.
Về một số bất tiện như ít trạm sạc, quãng đường xe chạy được sau một lần sạc còn ngắn, dự kiến DN sẽ phối hợp đơn vị cung cấp xe để triển khai các giải pháp như cập nhật phần mềm, lắp thêm trụ sạc công suất lớn, đầu tư thêm xe điện mới có cự ly chạy dài hơn...
"Định hướng của chúng tôi là khi các xe xăng đến thời gian thanh lý, DN sẽ chuyển đổi dần sang khai thác toàn bộ bằng xe điện để hướng tới kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường" - ông Tuyên khẳng định.
Còn nhiều rào cản
Trước yêu cầu của Chính phủ về việc từng bước thay thế xe chạy xăng sang xe chạy nhiên liệu sạch theo lộ trình từ nay đến năm 2030 và tăng tính cạnh tranh, phù hợp xu thế, 50 DN taxi trên địa bàn TP Hà Nội mới đây đã họp bàn kế hoạch đầu tư, phát triển taxi điện. Hầu hết DN taxi đều đồng tình, ủng hộ chủ trương chuyển đổi dần từ phương tiện động cơ đốt trong sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các DN cũng cho rằng còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chỉ ra 2 rào cản chính khi thực hiện lộ trình chuyển đổi từ khai thác xe chạy xăng sang xe điện. Rào cản đầu tiên là hạ tầng trạm sạc. Ông Hùng phân tích: Nếu người dùng ôtô điện cá nhân thiếu trạm sạc một phần thì DN kinh doanh dịch vụ taxi điện "khát" trạm sạc gấp hàng chục lần.
Đối với ôtô cá nhân, đa số chủ xe có thể sạc đầy pin vào ban đêm để sử dụng cho cả ngày hôm sau. Còn taxi hoạt động 24/7, quãng đường di chuyển dài, phải dừng, đỗ, đón trả khách tại nhiều địa điểm trong một ngày, dẫn đến cần nạp năng lượng nhiều lần và tại nhiều địa điểm.
Kể từ ngày 14-4, 600 chiếc taxi Xanh SM đã chính thức hoạt động tại TP Hà Nội, trước khi được mở rộng tới ít nhất 5 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ảnh: HOÀNG ĐỨC
Rào cản thứ hai, theo ông Hùng, là vấn đề tài chính của DN. Tại Việt Nam, giá một chiếc ôtô điện còn khá đắt, gấp 1,5-3 lần một chiếc ôtô thông thường. Để mua số lượng xe lớn, các hãng taxi buộc phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay của DN hiện khá khó khăn nên việc đầu tư chuyển đổi sang taxi điện không thể làm nhanh và cần tính toán khả năng lợi nhuận cũng như hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất.
Các thành viên Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cơ chế ưu đãi trong nhập khẩu xe điện. Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng kiến nghị cơ quan quản lý quy hoạch thêm các điểm đỗ cho xe taxi để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP HCM, góp ý nên có lộ trình chuyển đổi phù hợp, thông tin cho DN nắm rõ về lợi ích cũng như rủi ro khi đầu tư khai thác xe điện.
Thay đổi cục diện thị trường?
Dưới góc độ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng sự hiện diện của taxi điện sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của taxi truyền thống - vốn đã "mệt mỏi" vì phải cạnh tranh với taxi công nghệ trong mấy năm qua.
Ông Trần Anh Tùng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, cho rằng thị trường dịch vụ taxi có thêm thành viên mới sẽ tăng tính cạnh tranh, buộc các hãng xe phải tăng ưu đãi để giữ vững thị phần, qua đó người tiêu dùng được hưởng lợi. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho người lao động trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế, GS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định khi taxi điện tham gia thị trường với thế mạnh sẵn có của hãng xe Việt VinFast sẽ tạo động lực cạnh tranh đáng kể, buộc các hãng khác phải tính toán thiệt hơn, từ đó chăm sóc khách chu đáo hơn, không dám tăng giá cước vô tội vạ... Taxi điện phát triển còn góp phần thúc đẩy cơ sở hạ tầng trạm sạc phát triển theo, qua đó người sử dụng xe điện cá nhân cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Ông Tạ Long Hỷ, Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), nhìn nhận trong giai đoạn đầu taxi điện đi vào hoạt động, khả năng ảnh hưởng đến taxi truyền thống sẽ không nhiều. Vinasun sẽ vẫn kiên trì với hoạt động kinh doanh của mình và có biện pháp ứng biến tùy tình hình. "Nếu trong tương lai chất lượng xe điện tốt lên, hệ thống trạm sạc đầy đủ thì chúng tôi sẽ tính tiếp có chuyển đổi từ khai thác xe xăng sang xe điện hay không.
Còn hiện nay, đa phần khách đi chặng dài, khách tỉnh sẽ vẫn chọn taxi truyền thống" - ông Hỷ nhận định.
Dịch vụ thân thiện môi trường lâu đời
London - Anh là một trong những thành phố đầu tiên có dịch vụ taxi chạy điện 100% ra mắt năm 1899 và được ca ngợi vì góp phần làm sạch bầu không khí ô nhiễm của thủ đô. Tuy nhiên, sau đó một thế kỷ, 20.000 chiếc taxi ở đây hầu hết vẫn chạy bằng động cơ diesel.
Theo The Guardian, quy định mới được ban hành ở London vài năm nay chỉ cho phép 2 loại phương tiện đều là xe không phát thải được cấp giấy phép taxi mới từ Cục Vận tải London. Phương tiện thứ nhất là sản phẩm của Công ty Xe điện London chạy bằng pin với quãng đường lên đến hơn 112 km, chỉ sử dụng động cơ xăng trong trường hợp cần mở rộng quãng đường ra bên ngoài thủ đô. Ngoài ra còn có xe Nissan e-NV200 Evalia, loại xe tuy đắt đỏ nhưng tài xế mua xe sẽ được trợ giá tới 7.500 bảng Anh.
Nhật Bản cũng bắt đầu thử nghiệm taxi điện từ năm 2009 ở thủ đô Tokyo. Theo tờ Ashahi Shimbun, các nhà khai thác taxi trong năm 2023 đang tăng tốc thay thế phương tiện chạy bằng xăng bằng xe điện để chuẩn bị đáp ứng những quy định về môi trường chặt chẽ hơn.
A.Thư