Quan điểm khác nhau về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe

Thứ tư, 27 Tháng 3 2024 19:07 (GMT+7)
Các đại biểu Quốc hội chuyên trách vẫn còn có ý kiến khác nhau về việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
 
Sáng 27-3, tiếp tục chương trình làm việc, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận về quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
 
Quan điểm khác nhau về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe- Ảnh 1.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) phát biểu
 
Tuy nhiên, đại biểu Tâm cho biết thực tiễn việc sử dụng rượu, bia ở nước ta được xem là một nét văn hóa, là thói quen của một bộ phận người dân.Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) tán thành với quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này kế thừa Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ.
 
Bên cạnh đó, việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.
 
Do đó, để thuyết phục hơn, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng "ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép" để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.
 
Quan điểm khác nhau về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe- Ảnh 2.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) phát biểu
 
Đồng tình với việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng cần tăng nặng xử phạt với mức vi phạm nồng độ cồn cao.
 
Tuy nhiên, đại biểu Cảnh đề xuất với nồng độ cồn mức thấp, dưới 0,1 mg/lít khí thở thì chỉ nên xử phạt hành chính, nhưng không tước giấy phép lái xe. "Quy định không tước giấy phép lái xe này không nên áp dụng với người lái xe hoạt động dịch vụ chở người và chở hàng" - ông Cảnh nói.
 
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng cần quy định vi phạm nồng độ cồn đến ngưỡng thì mới xử lý.
 
Đại biểu Hòa cho biết không phải ông cố chấp bảo lưu quan điểm chủ quan của mình nhưng thực tế cuộc sống hiện nay, sau khi có đám tiệc người có tiền thì đi dịch vụ, còn người không có tiền vẫn tự chạy xe. Đặc biệt là ở nông thôn, người lao động chân tay rất nhiều, họ đi bằng xe máy. Nếu 100% không có nồng độ cồn là khó khả thi.
 
Thực tế, khi uống 1 lon bia hoặc 1-2 cốc rượu thì tâm trí vẫn bình thường, điều khiển xe vẫn được.
 
"Ví dụ uống rượu, bia chiều hôm qua, sáng hôm sau lái xe vẫn còn có nồng độ cồn và bị xử phạt thì rất vô lý" - ông Hòa nói.
 
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, ông đề nghị xem xét cần phải có ngưỡng nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau khi đánh giá kỹ ưu, nhược điểm, hiện ông đồng tình với quy định cấm tuyệt đối có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
 
Theo đại biểu Thắng, thời gian qua, CSGT đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, qua đó đã góp phần kéo giảm các vụ tai nạn giao thông. Theo số liệu của cơ quan chức năng, năm 2023, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết, giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ.
 
"Với phương châm tính mạng của con người là trên hết, trước hết, thì quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết"- đại biểu Thắng nói.
 
 

Bài viết mới nhất của Dịch Vụ GTVT - Xe Khách - Taxi