Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh sẽ giúp ngành tôm Cà Mau tạo đột phá về sản lượng.
Cà Mau đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng tôm nuôi nước lợ. Nhiều năm qua, diện tích nuôi tôm của tỉnh ổn định khoảng 280.000ha (chiếm hơn 1/3 diện tích nuôi tôm của cả nước), với đa dạng các hình thức nuôi. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Phát triển ngành tôm được tổ chức tại Cà Mau vào tháng 2-2017, Cà Mau đã ban hành kế hoạch phát triển ngành tôm. Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh - siêu năng suất được kỳ vọng sẽ giúp địa phương này tạo đột phá.
Ðột phá về sản lượng
Ông Nguyễn Minh Luân (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) là một trong những hộ đi đầu trong nuôi tôm siêu thâm canh tại địa phương. Trước khi chuyển sang thực hiện mô hình này, khoảng 2 năm nay, ông Luân đã nếm đủ cay đắng, ngọt bùi với việc nuôi tôm thâm canh.
Ông Luân cho biết do môi trường nuôi bị ô nhiễm, giai đoạn 2014-2016, gia đình ông liên tiếp thất bại, tiền tỉ mất đi theo nghiệp nuôi tôm thâm canh. Từ đó, ông quyết định chuyển sang nuôi tôm siêu thâm canh (người dân quen gọi nuôi trải bạt) vào năm 2017. Ban đầu, ông thực hiện mô hình trên diện tích hơn 1ha và vụ nuôi đầu tiên đã lời khoảng 1 tỉ đồng. Hiện gia đình ông đã nhân rộng mô hình trên diện tích hơn 3ha, với 3 ao nuôi. Vừa qua, ông thu hoạch 1 ao, với diện tích 1.400m2 đã thu được hơn 10 tấn tôm, lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng.
Theo ông Luân, trong hợp tác xã gia đình đang tham gia, đã có 10/16 hộ thực hiện nuôi siêu thâm canh. Mô hình cho siêu năng suất nên lợi nhuận các hộ này đều đạt lợi nhuận không dưới 1 tỉ đồng/năm. Trong điều kiện nuôi thâm canh gặp khó khăn thì nuôi siêu thâm canh chính là hướng đi mới, giúp đảm bảo tỷ lệ thành công cao. "Nuôi thâm canh tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30-40%. Nuôi siêu thâm canh tỷ lệ thành công cao gấp 2 lần nuôi thâm canh. Trung bình người nuôi tôm có thể đạt năng suất 60-70 tấn/ha/năm. Cá biệt, có những hộ nuôi đạt khoảng 100 tấn/ha/năm"- ông Luân chia sẻ.
Trước đây, mô hình nuôi tôm siêu thâm chủ yếu do một doanh nghiệp đầu tư thực hiện tại Cà Mau. Khoảng năm 2016, mô hình được nhân rộng ra người dân dưới dạng thu nhỏ. Trên diện tích 1ha, trừ tất cả các công trình phụ, diện tích thực nuôi của bà con chỉ khoảng 20% nhưng năng suất đạt trung bình từ 40-50 tấn/ha/năm.
Ngoài Phú Tân, hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại huyện Cái Nước. Năm 2018, có 275 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 400ha, đạt sản lượng trên 1.300 tấn. Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Nước, cho biết: Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của huyện chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nhưng chiếm đến 5% sản lượng tôm địa phương. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp tăng sản lượng tôm của địa phương. "Trong kế hoạch phát triển nuôi tôm của huyện, do diện tích không thể tăng thêm nên để đảm bảo kế hoạch phát triển chúng tôi đã lựa chọn mô hình này để tạo đột phá nhằm tăng sản lượng"- ông Chính nói.
Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Cũng theo ông Chính, tuy hiệu quả là vậy nhưng để nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh không dễ. Thực hiện mô hình này, người dân phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng/ha nên không phải ai cũng có điều kiện làm. Hiện nay, trong các chính sách phát triển nông nghiệp có những quy định ưu tiên cho vay vốn nhưng riêng với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh các ngân hàng rất ngại cho vay. Ngoài ra, nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng không đủ để người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đầu tư bài bản.
Đồng quan điểm, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết, trong kế hoạch phát triển ngành tôm, tỉnh xác định để phát triển bền vững sẽ lấy loại hình tôm- rừng, tôm- lúa sinh thái làm bàn đạp. Để tăng sản lượng tôm, chính hình thức nuôi siêu thâm canh và thâm canh giữ vai trò quyết định. Hiện trong cơ cấu sản lượng tôm của Cà Mau, mặc dù nuôi thâm canh và siêu thâm canh chiếm chỉ khoảng 3,5% diện tích, với khoảng 9.500ha nhưng lại dẫn đầu về sản lượng so với các loại hình nuôi khác. Người dân thực hiện các loại hình này cần vốn nhưng trong chính sách vay hiện nay còn những tồn tại khiến người dân rất khó tiếp cận.
Cũng theo ông Bằng, trong phát triển sản xuất nói chung và nuôi tôm nói riêng cần có sự liên kết, tổ chức sản xuất theo hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng quy mô, đảm bảo phát triển theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, trong quy định chưa có sự ràng buộc người dân phải liên kết mà chỉ vận động tham gia. Ông Bằng dẫn chứng tại Ecuador- nước cạnh tranh mặt hàng tôm thẻ quyết liệt với Việt Nam, người dân muốn nuôi tôm phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50ha. Như vậy người nuôi tôm buộc phải liên kết lại với nhau. "Họ làm quy mô, áp dụng kỹ thuật đồng bộ, năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn, hiệu quả hơn. Chúng ta có thể làm như vậy không?", ông Bằng đặt vấn đề.
Ngoài ra, cái khó cơ bản nhất hiện nay mà Cà Mau đang gặp phải là hạ tầng chưa theo kịp thực tế phát triển. Thời gian qua, tuy tỉnh đã được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng các yếu tố rất cần thiết để phát triển ngành tôm như giao thông, điện, đặc biệt là thủy lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề này tỉnh không thể tự đầu tư nên cần được hỗ trợ phát triển, đặc biệt là từ Trung ương.
Phát biểu trong buổi họp về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2019 của tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: "Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh, để đảm bảo nuôi thành công cần quản lý chặt, tránh rủi ro đến mức thấp nhất cho người dân. Hộ dân muốn triển khai nuôi tôm siêu thâm canh phải đăng ký, hộ nào không đảm bảo điều kiện hay gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hộ nuôi khác cần kiên quyết cắt điện không cho nuôi".