Máy cấy lúa “3 trong 1” đang mang lại nhiều tiện ích cho nông dân.
Bước khởi đầu
Huyện Vị Thủy là địa phương tiên phong triển khai mô hình canh tác lúa thông minh kể từ vụ lúa Hè thu này tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vị Thắng, ở ấp 9, xã Vị Thắng, với diện tích thử nghiệm là 12ha của 10 hộ dân tham gia. Khi thực hiện mô hình, bà con nơi đây được tiếp cận với máy cấy lúa “3 trong 1” do Tập đoàn Rynan Holding JSC (tập đoàn JSC) thực hiện. Điều làm cho nông dân cảm thấy thích thú với máy cấy lúa “3 trong 1” là ngoài chức năng cấy lúa giống như các máy cấy thông thường thì chiếc máy cấy này còn kết hợp bón phân (loại phân thông minh) và phun thuốc vi sinh cho đất. Đặc biệt, loại phân sử dụng bón chỉ một lần trong lúc cấy với số lượng 300kg/ha, phân sẽ tan từ từ để cung cấp dinh dưỡng tương ứng với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, nông dân không cần bón thêm phân khác cho cả vụ. Từ đó, giúp bà con nhẹ công vì giảm được ít nhất 2 lần bón phân. Mặt khác, do cây lúa hấp thu dinh dưỡng theo từng giai đoạn từ loại phân đặc biệt này nên phân bón không bị thừa, từ đó giảm sinh vật gây hại tấn công, kéo theo giảm số lần phun thuốc và tiền mua thuốc bảo vệ thực vật.Ông Phạm Minh Quang, có 2ha lúa áp dụng thí điểm mô hình canh tác lúa thông minh, ở ấp 9, xã Vị Thắng, cho biết: “Trong điều kiện khan hiếm nhân công lao động ở nông thôn do thanh niên đi làm tại các công ty nên việc làm lúa chỉ bón phân một lần thì người dân giảm được nhiều chi phí. Mặt khác, do cấy máy nên lượng lúa giống đã giảm xuống từ 20kg/công (sạ lan) còn 6kg/công. Chỉ những khoản trên đã giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư khá lớn mà còn bảo vệ được sức khỏe bản thân và người tiêu dùng do ít dùng thuốc hóa học… Lúa sau cấy gần một tháng đang phát triển rất tốt, giờ bà con trong mô hình rất kỳ vọng đến ngày thu hoạch lúa sẽ đạt năng suất tốt nhất”.
Ngoài máy cấy lúa “3 trong 1” thì để có nguồn mạ tốt, nông dân đã gieo sạ lúa giống trong những chiếc khay thông minh. Ưu điểm của chiếc khay này là có thể đặt ở bất cứ địa hình nào nên rất thuận tiện. Với nhiều ưu điểm ban đầu mang lại, mô hình canh tác lúa thông minh của nông dân xã Vị Thắng đang thu hút nhiều nông dân trong và ngoài xã đến tham quan. Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho rằng: Là huyện thuần nông, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Do đó, để ngày càng nâng cao giá trị cho hạt lúa, nhiều năm qua, địa phương đã tổ chức không ít chuyến đi thực tế cho nông dân trong huyện. Qua các chuyến đi nhằm giúp bà con tham quan, học tập những mô hình sản xuất hiệu quả từ nông dân tỉnh bạn, trong đó có mô hình canh tác lúa thông minh đang thực hiện rất hiệu quả tại tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, do đây là mô hình mới nên huyện chỉ áp dụng thí điểm ban đầu 12ha, nếu kết quả thành công sẽ tổ chức nhân rộng dần ra phạm vi toàn huyện trong những vụ lúa tới, nhưng trước tiên là tập trung vào các HTX.
Bên cạnh máy cấy lúa thông minh, tới đây bà con ở HTX Nông nghiệp Vị Thắng còn đăng ký thực hiện thí điểm bơm tưới thông minh. Và trước khi thực hiện mô hình này thì lãnh đạo UBND tỉnh, cùng nhiều sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, HTX, nông dân của Hậu Giang đã sang tỉnh Trà Vinh để trực tiếp xem hệ thống phao nổi và điểm quan trắc nước thông minh đang mang lại nhiều hiệu quả trong canh tác lúa cho người dân nơi đây. Ông Thạch Chiến, đang canh tác hơn 1ha lúa ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Sau khi hệ thống quan trắc nước và thiết bị bơm tưới tự động được lắp đặt thì hơn 3 năm nay 110ha lúa của bà con khu vực này canh tác rất thuận lợi, trong đó đáng mừng là nông dân giảm được nhiều sức lao động. Bởi, từ việc theo dõi nồng độ mặn dưới kênh trước khi đưa nước vào ruộng, hay theo dõi độ ẩm trên đồng để quyết định thời gian bơm nước cho cây lúa đều thực hiện tự động thông qua thiết bị theo dõi thông minh. Ngoài ra, bà con còn áp dụng bón phân thông minh, máy cấy nên không chỉ khỏe trong sản xuất mà năng suất lúa cũng tăng từ 13 bao/công lên hơn 20 bao/công (khoảng 1 tấn/công vụ Đông xuân), qua đây góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.
Hiện tại, toàn tỉnh Trà Vinh có 13 hệ thống phao và điểm quan trắc nước tự động. Dự kiến đến cuối năm 2019, tỉnh này sẽ nâng lên tổng số là 48 điểm nhằm phục vụ theo nhu cầu canh tác của bà con. “Với nhiều tính năng như sử dụng năng lượng mặt trời, tự động quan trắc mặn, kiểm tra độ pH, nhiệt độ, mực nước… nên hệ thống phao và thiết bị quan trắc nước tự động hoàn toàn có thể áp dụng tại địa bàn tỉnh Hậu Giang. Do đó, tỉnh sẽ nghiên cứu phối hợp với đơn vị thiết kế các thiết bị này để sớm lắp đặt tại Hậu Giang, nhưng trước mắt là ưu tiên cho những vùng bị ảnh hưởng nặng của mặn. Bên cạnh đầu tư các thiết bị thông minh thì tỉnh cũng rất mong có nhà máy phân bón thông minh đặt tại địa bàn tỉnh để phục vụ nhu cầu sản xuất lúa thông minh cho bà con”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ sau khi tham quan mô hình canh tác lúa thông minh tại tỉnh Trà Vinh mới đây.
Tiên phong làm nông nghiệp 4.0
Hiện tại, nhiều nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đã vận dụng đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất và đã mang lại nhiều thành công. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Y, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, với mô hình điều khiển bơm tưới tự động cho vườn bưởi da xanh của gia đình mình. Theo chia sẻ của ông Y, khi nhận thấy việc làm vườn luôn vất vả, nhất là khâu tưới nước trong mùa nắng nóng, do đó sau khi chuyển từ 4 công mía sang trồng bưởi da xanh được gần 2 năm, ông quyết định đầu tư đường ống và kết hợp gắn nhiều bét phun sương xung quanh vườn. Sau đó, tiến hành lắp đặt mô tơ điện và thiết bị tự động bơm nước, đồng thời có kết nối chương trình điều khiển tự động qua thiết bị điện thoại thông minh của mình. Nhờ cách làm trên mà việc tưới nước cho vườn bưởi của ông rất nhẹ nhàng.
Ông Y bộc bạch: “Giờ đi đám tiệc, đi chợ hay ở bất cứ nơi đâu, nếu muốn tưới nước cho vườn bưởi của mình thì tôi chỉ cần mở điện thoại lên và kích hoạt chương trình là xong, không cần phải đến tận vườn như trước. Còn thời gian tưới thì do mình tự cài đặt từ 10-15 phút sẽ tự động tắt. Ngoài giúp nông dân khỏe hơn trong làm vườn thì mô hình tưới phun sương tự động còn góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu do tiết kiệm được lượng nước và vấn đề này thật sự cần thiết cho vùng đất thường chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn như thành phố Vị Thanh”.
Còn ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, từ cuối năm 2015 đã đầu tư hàng tỉ đồng để cải tạo đất, làm nhà kính và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Việc làm này đã giúp ông giảm công chăm sóc, chi phí phun thuốc, bón phân, góp phần tạo ra sản phẩm dưa lưới đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Trưng, toàn bộ quy trình tưới nhỏ giọt được điều khiển bằng công tắt thông minh. Nhờ vậy, khâu bơm nước trực tiếp bằng mô tơ điện từ các thùng chứa dự trữ sẵn vào hệ thống dây dẫn trước khi tưới cho từng gốc dưa lưới được thực hiện hoàn toàn tự động trong khoản thời gian nhất định đã được lập trình sẵn. Ngoài việc sử dụng thiết bị vòi tưới nhỏ giọt, cùng đường dây truyền, dẫn nước thì công tắt thông minh đều xuất xứ và có công nghệ từ Israel. Theo ông Trưng, trồng dưa lưới trong nhà kính cho trái tròn đều, tỷ lệ đạt loại 1 trên 90%. Thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn, tối đa 70 ngày nên có thể canh tác được 4 vụ/năm. Lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/công/vụ nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu rất nhanh.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Trong sản xuất lúa gạo, Hậu Giang có thể áp dụng thêm các công nghệ ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh, sản xuất lúa gạo theo phương pháp hữu cơ, theo chuỗi giá trị, tổ chức theo HTX. Trong thủy sản có thể ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa kết hợp thủy sản và rau, hoa. Còn sản xuất rau màu thì đang có những công nghệ tự động hóa khâu sản xuất cây giống, cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân bón và tưới nước kết hợp hay công nghệ bảo quản tiên tiến. Nhất là lựa chọn những loại rau, quả, cây ăn quả với sản xuất quy mô tập trung, có công nghệ và thị trường…
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nhất là nâng giá trị hàng hóa thì không thể dừng lại ở sản phẩm thô, mà phải được sơ chế, đóng gói trước khi đưa ra tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vì thế, việc sản xuất theo chuỗi giá trị trên nền tảng logictics trong thời buổi hiện nay là rất cần thiết.
Kết quả của nông dân thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh tại nhiều tỉnh vùng ĐBSCL như: Trà Vinh, Đồng Tháp, Hậu Giang… cho thấy, việc bón phân thông minh trong canh tác lúa thông minh sẽ giảm được 40% lượng phân đạm, giảm 75% công bón phân, giảm 40% phát thải khí nhà kính khi kết hợp với canh tác ngập xen kẽ; đồng thời giảm được trên 30% lượng nước tưới;… đặc biệt là tăng lợi nhuận gần 20% so canh tác lúa thông thường. |
Bài, ảnh: H.THU - H.PHƯỚC - (Báo Hậu Giang)