Trở về nhà sau một buổi sáng chở trái mãng cầu đi giao cho chủ vựa trái cây ở TP. Sóc Trăng, gặp tôi, ông Sinh niềm nở mời vào nhà ngồi nghỉ. Nhanh tay đem những chiếc giỏ chở trái mãng cầu vào nhà sắp xếp gọn gàng, ông Sinh bộc bạch: “Cứ cách 2 ngày tôi phải tự thân đi chở trái mãng cầu ra vựa để chủ vựa phân phối bán cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trước đây, thương lái tới tận vườn để mua nhưng do xung quanh đây chỉ có vườn tôi trồng mãng cầu, số lượng trái không đáp ứng được một chuyến hàng nên ngưng không vào vườn mua. Do vậy gần một năm qua, tôi phải tự đem giao mãng cầu tận vựa khi họ có nhu cầu. Chạy đi xa, chở nặng cũng cực nhưng đành phải chịu. Vấn đề làm tôi khó nghĩ nhất là cây ra trái to rất thích vì nhờ chăm sóc tốt kèm theo đó trái to cân sẽ được ký hơn, bán nhiều tiền hơn, ấy vậy mà mỗi lần mang mãng cầu đi vựa, trái lớn họ thường dạt ra, cứ bảo người tiêu dùng ít chịu mua trái to bởi ngán tiền dẫn đến vựa khó bán, làm tôi đau cả đầu vì vườn mãng cầu của tôi trái rất to, trọng lượng từ 2kg đến 4kg/trái”.
Ông Hà Văn Sinh, ấp Thiện Tánh, xã Thuận Hưng (Mỹ Tú) bên vườn mãng cầu xiêm trái trĩu cành.
Để minh chứng cho vườn mãng cầu trái to trĩu cành, ông Sinh nhiệt tình dẫn tôi ra thăm khu vườn nhà ông với diện tích 13 công đất, chuyên canh cây mãng cầu xiêm và xen canh một số cây bưởi da xanh. Quả thật, khi tận mắt nhìn thấy vườn mãng cầu của ông Sinh, tôi vô cùng thích thú, bởi tất cả các trái trên cây có độ lớn đồng đều nhau, từng trái được bao lưới cẩn thận.
Đi nhanh về phía trước chỉnh sửa lại cái lưới bao trái mãng cầu, ông Sinh tâm tình: “Giờ trồng bất cứ loại trái cây gì cũng cần bao trái, thứ nhất hạn chế tối đa côn trùng, sâu hại tấn công trái làm ảnh hưởng năng suất, thứ hai để sản phẩm sau thu hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm và vấn đề quan trọng ở đây là khi bao trái độ lớn của trái đồng đều, hình thức trái đẹp. Tôi canh tác mãng cầu theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng các loại phân bón hữu cơ và thuốc sinh học cung cấp cho cây nên chi phí đầu tư thấp. Tôi nhận thấy gần 3 năm trồng mãng cầu thu nhập tăng lên gấp nhiều lần so trồng mía hay trồng lúa”.
Nâng trái mãng cầu ngắm nghía xem đã già chưa để mai thu hoạch tiếp, ông Sinh chia sẻ thêm: “Diện tích đất tôi trồng mãng cầu trước đây là đất canh tác mía, từ mía tôi chuyển sang làm lúa 3 vụ/năm, với cây lúa năng suất khá cao nhưng chi phí đầu tư lớn, giá cả bấp bênh, có vụ lúa chỉ huề vốn. Thấy làm lúa thu nhập không tốt, tôi suy nghĩ cây ăn trái để chuyển đổi. Ban đầu thấy hộ dân ở TX. Ngã Năm trồng mãng cầu gai gốc ghép bình bát mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng muốn thử loại mãng cầu đó nhưng suy tính thời gian tôi chọn trồng trái mãng cầu xiêm, bởi xưa giờ khá nhiều người ưa chuộng loại mãng cầu này. Để có cây giống trồng, tôi tìm đến tận tỉnh Hậu Giang mua cây về trồng thử trên 1 công đất lúa. Qua 2 năm bắt đầu thu hoạch trái, giá bán thời điểm mấy năm trước từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg. Với 1 công mãng cầu, tôi thu lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy tiềm năng lớn từ trái mãng cầu xiêm nên tôi quyết định tự ươm hạt mãng cầu làm cây giống trồng luôn 12 công đất lúa còn lại. Hiện tại, vườn mãng cầu 13 công với 700 gốc. Vườn đã cho thu hoạch trái đồng loạt gần 3 năm qua, sản lượng trái bình quân khoảng 35 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 200 triệu đồng”.
Việc chuyển đổi cây lúa sang cây mãng cầu xiêm của ông Sinh được xem là một trong những mô hình thành công bởi đem về nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đầu ra của trái mãng cầu còn gặp khó khăn, ông Sinh mong muốn được các doanh nghiệp liên kết thu mua trái mãng cầu xiêm để giá bán được ổn định và đảm bảo lợi nhuận. Hướng tới, ông Sinh sẽ làm thêm trà mãng cầu...