Đi dọc theo một số tuyến đường thuộc xã Trí Lực, thủ phủ vùng mía nguyên liệu của huyện Thới Bình, rất dễ bắt gặp hình ảnh xáng cuốc ban đất mía để nuôi tôm, trồng lúa.
Xáng cuốc ban đất mía chuyển sang nuôi tôm.
Gắn bó với cây mía hơn 20 năm, bà Đoàn Thị Cưỡng, Ấp 9, xã Trí Lực, đang rất đắn đo trong việc giữ một phần hay phá bỏ hết diện tích mía của gia đình. Giữ lại thì lỗ, mà phá bỏ để nuôi tôm thì không có tiền thuê xáng cuốc.
Bà Đoàn Thị Cưỡng chia sẻ: "Tôi cũng chỉ phá một phần diện tích mía, giờ còn 5 công mía nhưng chưa dám phá vì thuê ban đất nhiều tiền, để đó bán được thì bán, còn không thì thôi, muốn phá hết diện tích thì phải vay vốn ngân hàng để làm”.
Ông Nhữ Văn Kiểu, Ấp 9, xã Trí Lực, là một trong những tỷ phú mía có tiếng một thời của vùng đất Trí Lực. Mấy chục năm nay, 10 ha đất của gia đình ông đều trồng mía. Nặng tình với mía, bởi cây mía đã làm giàu cho gia đình ông, nhưng vào năm 2018 ông Kiểu cũng bắt buộc phải phá mía để nuôi tôm và trồng hoa màu. Ông Kiểu cho hay: "Năm rồi tôi ban bỏ hết mía, cũng tiếc lắm nhưng không còn cách nào, phải bỏ thôi để chuyển đổi mô hình khác, chứ để mía không bán được nữa”.
Hiện nay giá mía chỉ còn từ 500-550 đồng/kg, thậm chí không có người mua, nếu có thì cũng mua thiếu không hẹn ngày trả. Trong khi đó chi phí thuê nhân công thu hoạch từ 300-400 đồng/kg. Nếu tính cả tiền mua cây giống, phân bón, công chăm sóc thì người trồng mía không có lãi, thậm chí bị thua lỗ.
Trước đây, toàn huyện Thới Bình có diện tích đất trồng mía gần 2 ngàn héc-ta, hiện nay chỉ còn khoảng 100 ha. Trong khi diện tích mía ngày càng thu hẹp mà giá cả thì luôn ở mức thấp, nhà máy đường đặt tại địa phương thì đóng cửa, không có đầu ra, không có người thu mua. Điều đó cũng đồng nghĩa với cây mía dần không còn đất sống và thay thế vào đó là những loại cây, con có giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường xuất khẩu.
Ông Hà Minh Trí, Ấp 9, xã Trí Lực, cho biết, gia đình ông có 3 ha đất, trước nay trồng mía, trồng nhiều năm thấy không hiệu quả nên ông phá mía bỏ để lấy diện tích mặt nước nuôi tôm, diện tích đất tốt thì để lại trồng chanh không hạt.
Trước thực trạng cây mía không còn giá trị kinh tế, huyện Thới Bình đã xây dựng đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cây mía không còn đưa vào quy hoạch. Thay vào đó là những cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất trồng mía bị nhiễm phèn, mặn. Ngoài việc chuyển đổi sang nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, huyện còn triển khai mô hình trồng chanh không hạt cho người dân. Hiện mô hình này có 74 hộ tham gia, với diện tích khoảng 10 ha.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: "Trước biến động của giá mía sụt giảm, Thới Bình đã chuyển khoảng 300 ha từ cây mía qua cây trồng, vật nuôi khác. Đó là mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm, trồng hoa màu... Bên cạnh đó thay cây mía bằng mô hình trồng chanh không hạt, đây là một trong những cây có giá trị xuất khẩu".
Để chuyển đổi vùng trồng mía thành công, đạt hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững rất cần sự định hướng đúng đắn, kịp thời của các ngành chức năng, nhằm giúp người dân an tâm lao động sản xuất, không còn lâm vào cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội” như cây mía đã qua./.