Chuyển đổi cây trồng phù hợp
Chị Hảo cho biết, trước đây, diện tích đất sau nhà được chị sử dụng để trồng các loại cây như: chuối, bạch đàn… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, do cây chuối thường xuyên bị đổ, ngã vào mùa mưa, trong khi đó, cây bạch đàn chỉ phục vụ cho người dân địa phương cất nhà. Năm 2014, được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chị Hảo nảy ra ý định trồng cam, quýt nhưng lại đắn đo vì các loại cây trồng này đòi hỏi nhiều kỹ thuật canh tác, cũng như chi phí đầu tư ban đầu cao. Được người quen giới thiệu mô hình trồng dâu tằm, thấy đây là mô hình mới tại địa phương nên chị Hảo mạnh dạn xuống giống 150 gốc dâu tằm trên diện tích 1.500m2; sau 1 năm, chị tiếp tục phát triển diện tích thêm 1.500m2.
Mô hình trồng dâu tằm của gia đình chị Phạm Thị Kim Hảo là mô hình mớiở xã Hòa Bình Thạnh (Châu Thành)
Với 3 công đất, chị Hảo trồng 300 gốc dâu tằm. Đây là giống dâu Đà Lạt được chị mua của nhà vườn tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên) với giá 20.000 đồng/cây. Cây dâu tằm thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên chỉ sau thời gian ngắn cây đã sinh trưởng và phát triển tốt. Theo chị Hảo, dâu tằm là loại cây dễ trồng, có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch khoảng 8 tháng, nhưng để có năng suất cao và ổn định phải cần đến 1-1,5 năm. Theo chị Hảo, dâu tằm ít bệnh nên nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp. Đặc biệt, loại cây trồng này có thể cho trái quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập. Tuy nhiên, người trồng phải lựa chọn thời điểm thích hợp để xử lý ra hoa, cho trái nhằm mang lại lợi nhuận cao. “Thời điểm các ngày lễ lớn, hay dịp Tết Nguyên đán là thời điểm dâu tằm rất hút hàng do nhu cầu tham quan du lịch tăng cao. Vào những tháng mùa mưa nên hạn chế để cây có trái do dễ bị rụng, chảy nước khi gặp mưa dầm” - chị Hảo thông tin.
Tăng thu nhập gia đình
Dâu tằm từ lúc ra hoa đến thu hoạch khoảng 1,5 tháng và cho thu hoạch liên tục khoảng 25 ngày tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch, chị Hảo cho cây nghỉ ngơi 1 tháng, sau đó tuốt lá để cây ra hoa, cho trái vụ tiếp theo. Với cách làm này, bình quân mỗi năm, mỗi cây thu hoạch khoảng 2-3 đợt trái, năng suất bình quân từ 30-50kg/cây trở lên. Hiện nay, dâu tằm của gia đình chị Hảo được mua tại vườn với giá 40.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày chị thu hoạch từ 20-40kg. Ngoài bán cho các bạn hàng ở địa phương, chị Hảo còn xuất hàng đi TP. Cần Thơ và Bình Dương. “Lúc đầu, tôi lo lắng đầu ra của dâu tằm, do đây là loại cây trồng mới đối với người dân. Nhưng sau 1 năm thử nghiệm đã được thị trường đón nhận nồng nhiệt, trái dâu tằm được tiêu thụ rất mạnh, sản phẩm không đủ để cung cấp cho thị trường, tôi rất phấn khởi” - chị Hảo cho biết.
Ngoài bán dâu trái, chị Hảo còn chế biến mật dâu và si rô dâu để phục vụ nhu cầu khách hàng cũng như tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi tháng, chị Hảo bán khoảng vài chục đến khoảng 200 hũ các loại (trọng lượng mỗi hũ trên 1,1-1,3kg), giá bán từ 40.000-50.000 đồng (tùy theo sản phẩm). Bên cạnh đó, chị Hảo còn nhân giống để cung cấp cho bà con nông dân tại địa phương có nhu cầu phát triển mô hình với giá 20.000 đồng/cây. Không những nỗ lực nâng cao thu nhập cho gia đình, chị Hảo sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân ở địa phương khi có nhu cầu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình Thạnh Lê Quốc Phong cho biết, thực hiện việc vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa Bình Thạnh xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân, trong đó có mô hình trồng dâu tằm của gia đình chị Phạm Thị Kim Hảo. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra cho nông sản để góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.