Tạo thời cơ trong thách thức biến đổi khí hậu ĐBSCL. Trong ảnh: Nhà vườn Vĩnh Long có nhiều sáng kiến để ứng phó với xâm nhập mặn.
Chuyển hướng chiến lược nông nghiệp
Báo cáo tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ- CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, để cơ cấu lại nông nghiệp ĐBSCL cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại của vùng và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, biến nguy cơ thành thời cơ.
Đối với mục tiêu cụ thể cho 3 ngành chủ lực, đề án cơ cấu lại nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 ngành thủy sản, trái cây và lúa gạo. Cụ thể, đối với nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh ra xuất khẩu.
Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu hecta (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái). Đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản.
Khai thác thủy sản cũng được cơ cấu lại theo hướng phát triển các tổ, đội công suất lớn, hợp tác xã, đồng quản lý và quản lý dựa vào cộng đồng với hệ thống tàu hậu cần, công nghiệp phụ trợ, các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu dịch vụ hậu cần ven biển và trên các đảo, nhằm khai thác các ngư trường lớn ở biển Tây và biển Đông; hợp tác khai thác trên các vùng biển chung phù hợp luật pháp quốc tế.
Đối với ngành trái cây, sẽ tập trung phát triển theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao với 10 loại trái cây chủ lực là: xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn, vải, thanh long, chuối, sầu riêng, chôm chôm. Đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000ha, đưa tổng diện tích vườn lên khoảng 680.000ha.
Đối với lúa gạo, giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000- 300.000ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1- 2 vụ hoặc luân canh với cây màu- thủy sản.
Tăng các nhóm giống lúa xác nhận, chất lượng cao, chống chịu tốt hơn với hạn mặn. Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học- công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Quy hoạch ĐBSCL sẽ tích hợp, đa ngành- lĩnh vực, thực hiện đồng bộ các giải pháp không hối tiếc, có điều phối liên vùng, liên kết ngành, lĩnh vực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị toàn vùng. Huy động nguồn lực tổng thể của Nhà nước, các thành phần kinh tế, toàn dân, hợp tác quốc tế”.
Tạo thời cơ thích ứng với BĐKH
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Lê Quốc Doanh, mặc dù vẫn duy trì và phát huy được các kết quả tốt, trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức lớn từ BĐKH và các hoạt động phát triển thượng nguồn. Trong đó, các thách thức lớn nhất là sụt lún đất, mực nước ngầm suy giảm, xói lở bờ biển.
Ngập do nước biển dâng và úng ngập cục bộ do không tiêu thoát nước được khi cùng lúc triều cường dâng cao và nước lũ lên nhanh. Môi trường nước mặt ô nhiễm, một bộ phận người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong các tháng đầu mùa khô. Cấu trúc mùa vụ thay đổi, dịch bệnh gia tăng do BĐKH,…
Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp- PTNT đang nhanh chóng hoàn chỉnh chương trình tổng thể để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng BĐKH vùng ĐBSCL.
Theo đó, định hướng phát triển nông nghiệp các vùng ở ĐBSCL cũng được xác định: vùng thượng phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan. Đây là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững, đóng vai trò điều tiết và hấp thụ lũ cho ĐBSCL.
Vùng giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn điển hình, là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Bên cạnh đó, phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp và thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải.
Vùng đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển. Riêng vùng ven biển phát triển nông nghiệp dựa chính vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản, kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ được rà soát lại và xây dựng theo hướng tích hợp đa ngành, gắn kết chặt chẽ phát triển nông nghiệp và phát triển chung về kinh tế, xã hội.
Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, phát triển thị trường và thu hút đầu tư nông nghiệp. Để tạo sinh kế ổn định cho người dân, quan trọng nhất là tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị.
Từ đó, hình thành cơ quan điều phối ngành hàng của vùng. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, cũng như cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết 120 đã đặt vấn đề thúc đẩy triết lý phát triển “thuận thiên”, tức là dựa vào các quy luật của tự nhiên để phát triển nhưng điều này không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận số phận hay sự sắp đặt của tạo hóa.
Số phận suy vong hay thịnh phát do chính chúng ta quyết định bằng chính hành động của mình. Cần nhận thức “thuận thiên” ở đây không có nghĩa là phó mặc cho trời đất mà dành các nguồn lực để phát triển ĐBSCL rõ hơn.
Thủ tướng yêu cầu cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn nữa cho vùng, đưa ngân sách chi cho ứng phó BĐKH thành một nhiệm vụ chi chính trong ngân sách của các địa phương. Chúng ta không chỉ lập dự toán dự phòng chống thiên tai như hiện nay, tức là kiểu ứng phó bị động mà phải có chương trình, nguồn lực ứng phó BĐKH một cách chủ động.