Đây cũng là nội dung trọng tâm của Diễn đàn tôm Việt do Tổng cục Thủy sản phối hợp Hội Nghề cá Việt Nam và tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào ngày 19-6. Với chủ đề: “Giải pháp xây dựng thương hiệu tôm Việt”, diễn đàn đã tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp về: định hướng xây dựng thương hiệu tôm Việt; giải pháp hoàn thiện các hợp phần trong xây dựng thương hiệu; giải pháp xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị gắn với thương hiệu; truy xuất nguồn gốc.
Muốn có thương hiệu tôm, trước hết phải có vùng nuôi đạt chuẩn quốc tế và đây cũng là lợi thế của các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tôm quảng canh, tôm – lúa…
Đánh giá cao về tiềm năng phát triển của ngành tôm, các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, đã đến lúc cần xúc tiến thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam để tạo thuận lợi hơn cho việc xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, trong định hướng phát triển, ngành tôm cần thực hiện xuyên suốt mục tiêu nuôi trồng và chế biến ít tác động đến môi trường nhất, để khách hàng mỗi khi sử dụng sản phẩm tôm Việt Nam đều có cái nhìn tích cực về trách nhiệm người nuôi tôm trong bảo vệ môi trường. Do đó, Chương trình xây dựng thương hiệu tôm cần xác định mục tiêu, định hướng ngay từ ban đầu để từ đó xây dựng nên lộ trình thực hiện, bởi đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai là có thể làm xong.
Không chỉ có các nhà khoa học, doanh nghiệp hay nhà quản lý, người nuôi tôm cũng rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu tôm Việt. Theo các nhà nuôi tôm, vấn đề là chúng ta phải khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình với người tiêu dùng. Muốn vậy, tất cả các khâu trong chuỗi liên kết đều phải cụ thể, rõ ràng và minh bạch; phải làm sao tổ chức sản xuất tốt và nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn thị trường. Vì vậy, trước mắt cần vận động các hộ nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ cao vào các hợp tác xã để tạo thuận lợi cho việc tổ chức đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế, giúp rút ngắn thời gian xây dựng thương hiệu so với thực hiện một cách đại trà.
Tôm sú sẽ phát huy lợi thế dẫn đầu thế giới tốt hơn một khi có được thương hiệu mạnh.
Đồng tình với các ý kiến trên, TS Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc tổ chức sản xuất đã và đang tiếp tục thực hiện bởi đây cũng chính là bước đi quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu. TS Luân chia sẻ: “Hiện nay, dù chúng ta chưa có thương hiệu nhưng thật ra thương hiệu tôm Việt Nam đã hiện diện trên nhiều thị trường trong và ngoài nước thông qua hình ảnh các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có uy tín trong nước. Vì vậy, vấn đề hiện nay chúng ta cần làm là định vị lại xem con tôm Việt Nam hiện đang ở phân khúc nào trên thị trường quốc tế để từ đó chọn doanh nghiệp, vùng nuôi có uy tín để hỗ trợ, nâng tầm lên thành thương hiệu quốc gia”.
Còn theo nhà mua hàng đến từ Đức, vấn đề các nhà nhập khẩu, phân phối tôm lớn ở châu Âu đặc biệt quan tâm hiện nay là thực hành sản xuất tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm và trách nhiệm xã hội. Vì vậy, kháng sinh luôn là điều cấm kỵ đối với sản phẩm tôm. Cũng theo chia sẻ của vị này, tâm lý của người Việt Nam là sau khi thực hiện đạt chứng nhận coi như đã xong việc, nhưng thật ra đây mới chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn rất nhiều hoạt động khác như: kiểm tra, giám sát... mà chúng ta phải đối mặt. Vì vậy, sau khi có được chứng nhận quốc tế, người sản xuất cần phải thực hiện một cách thường xuyên và thực chất hơn nữa để tạo lòng tin và sự tín nhiệm cao nơi nhà nhập khẩu và người tiêu dùng”.
Tổng hòa của các thương hiệu doanh nghiệp mạnh sẽ làm nên sức mạnh thương hiệu tôm Việt Nam.
Đồng tình với đánh giá này, TS Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh: “Chỉ có trung thực, bền vững và lâu dài thì mới xây dựng được thương hiệu, chứ không phải đạt được chứng nhận là xong việc. Vì vậy, để xây dựng thành công thương hiệu tôm Việt Nam, trước mắt, cần hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng cho mình một thương hiệu vững mạnh. Khi có nhiều thương hiệu doanh nghiệp vững mạnh chúng ta sẽ xây dựng thành sức mạnh thương hiệu quốc gia. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là cần tập hợp các bên trong ngành tôm lại theo chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc”.
Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam được xác định là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm được Thủ tướng phê duyệt, từng bước định vị, khẳng định vị thế về chất lượng, uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo đó, lộ trình xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam sẽ được thực hiện theo 5 bước, gồm: nghiên cứu đánh giá sản phẩm, thị trường tiêu thụ; xây dựng nền móng và định vị thương hiệu quốc gia; tổ chức và tái cấu trúc sản xuất; xây dựng chiến lược quản lý khai thác thương hiệu tôm Việt Nam; xây dựng và thực hiện chiến lược quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu tôm Việt Nam.
Mục tiêu của việc xây dựng thương hiệu nhằm tăng thị phần của sản phẩm tôm Việt Nam tại các thị trường quốc tế quan trọng như EU, Mỹ và Nhật Bản, nên thương hiệu tôm Việt Nam cần nhiều hơn một logo bắt mắt hay một chương trình xúc tiến thương mại nhất thời. Muốn vậy, phải làm sao để người mua biết rằng họ sẽ có được các sản phẩm tôm tiêu chuẩn cao từ Việt Nam và không phải lo lắng về an toàn thực phẩm và các vấn đề khác (như môi trường hoặc vấn đề xã hội trong sản xuất tôm). Hay nói cách khác, mỗi khi có nhu cầu sử dụng sản phẩm tôm, người tiêu dùng luôn nhớ đến tôm Việt Nam và khi đó, sản phẩm tôm Việt Nam mới thật sự có thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới.