Nguy cơ “mất kiểm soát” của ngành hàng cá tra

Thứ tư, 10 Tháng 7 2019 17:28 (GMT+7)
Sau hơn 20 năm phát triển, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu tại ĐBSCL đang trong tình trạng “mất kiểm soát”. Hệ lụy của vấn đề này là nhiều doanh nghiệp (DN) mất khả năng thanh toán, ngư dân phá sản. Đầu vào, đầu ra bị “lệch nhau”, từ đó dẫn đến sự thua lỗ không đáng có mà nhiều người phải gánh chịu.

Nguy cơ “mất kiểm soát” của ngành hàng cá tra

Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Từ đầu vào…

Ông Trần Văn Na (xã Phú Hữu, An Phú) là một trong nhiều hộ nuôi cá tra giống theo phong trào trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2017, trong một lần đến xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), thấy đàn cá tra giống nuôi trong hầm của người chú, được thương lái đến đặt cọc gần 100 triệu đồng (số lượng trên 20 tấn), ông nảy sinh ý tưởng nuôi cá tra giống. Vậy là sau vụ lúa đông xuân 2017-2018, ông đào hầm gần 2ha để thả con giống. Từ ý tưởng đến việc thực hiện đào hầm của ông có vẻ hơi chậm (so với mọi người xung quanh), nên khi đào xong hầm và thả cá đã là tháng 12-2018. Tuy trễ nhưng ông vẫn nuôi được 1 vụ, bán với giá 32.000 đồng/kg. Vụ đó, ông thu lãi hơn nửa tỷ đồng. Thành công bước đầu là vậy, song đến vụ nuôi thứ 2, đồng lời mà ông có được từ vụ nuôi thứ nhất không đủ bù đắp, vì giá cá rớt xuống còn 19.000 đồng/kg (đối với cá loại 30 con/kg). Bình quân, ông mất gần 13.000 đồng/kg cá tra giống. “Hầm mới đào, nguồn nước tốt, nuôi cá giống rất đạt nhưng giá rớt dưới giá thành sản xuất từ đó dẫn đến thua lỗ nặng” - ông Na lo lắng. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không chỉ có ông Na mà có đến hàng ngàn hộ nuôi cá giống lẫn cá tra thương phẩm lâm vào tình trạng thua lỗ, vỡ nợ. “Phát triển ồ ạt đã gây nên tình trạng “mất kiểm soát” như hiện nay là lẽ đương nhiên. Những người nuôi cá tự phát mà vẫn bán được cá thì họ cứ nuôi. Khi nào người nuôi tự phát, nuôi ngoài quy hoạch mà không bán cá được thì chừng đó tình hình này mới được cải thiện. Vậy, vấn đề ở đây là làm sao kiểm soát được, muốn vậy phải thưởng, phạt phân minh, rõ ràng. Ai làm đúng thì thưởng, ai làm sai thì phạt. Tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tinh thần thượng tôn pháp luật của những người tham gia cùng ngành hàng” - ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang nêu ý kiến.

Nguy cơ “mất kiểm soát” của ngành hàng cá tra

Những biện pháp chế tài trong việc đào ao nuôi cá chưa đủ sức răn đe, nên mạnh ai nấy làm. Ảnh: M.H

…đến đầu ra

Theo ông Khánh, muốn giải quyết tận gốc vấn đề của ngành hàng cá tra, cần nhìn lại khâu tổ chức sản xuất trong nước đến thị trường xuất khẩu. Ở khâu tổ chức sản xuất, cần quan tâm đến sự phân công lao động trong chuỗi giá trị ngành hàng, bởi ngành hàng này muốn phát triển bền vững phải dựa vào cộng đồng, nghĩa là ngư dân chỉ lo nuôi, doanh nghiệp (DN) chỉ lo xuất khẩu. Cả 2 cùng phối hợp thì từng khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng mới có thể phát triển chuyên sâu; giá thành của ngư dân nuôi lúc nào cũng phải thấp hơn giá thành của DN. DN cần phải đầu tư nghiên cứu phát triển thị trường, làm sản phẩm giá trị gia tăng, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để nâng cao hình ảnh sản phẩm của cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong khi đó, nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngành hàng, hỗ trợ DN. Phát huy vai trò quản lý của mình: ai làm đúng thì thưởng, ai làm sai thì phạt. “Muốn đầu ra tốt, các DN xuất khẩu sản phẩm phải có tiếng nói chung, nghĩa là hợp tác để cùng nhau phát triển, tránh tình trạng bán phá giá lẫn nhau trên thị trường mới lẫn thị trường truyền thống. Có thị trường mới tổ chức sản xuất, nghĩa là nuôi có kiểm soát. Sản lượng nuôi xuất khẩu hàng năm thấp hơn nhu cầu của thị trường một chút thì sản phẩm mới dễ tiêu thụ” - ông Khánh khẳng định.

Hơn 20 năm phát triển, ngành hàng cá tra mang về cho đất nước mỗi năm trên 2 tỷ USD, giải quyết 500.000 lao động có việc làm ổn định. Song, do sự phát triển quá “nóng”, ngành hàng này gặp phải nhiều rủi ro, giá cả không ổn định, nhiều DN lẫn ngư dân thua lỗ. Tình trạng “mất kiểm soát” của ngành hàng cá tra ở đầu vào, ngoài việc phát triển diện tích nuôi, thức ăn và thuốc thú y thủy sản luôn tăng làm cho giá thành nuôi tăng theo, trong khi giá xuất khẩu tăng không đáng kể. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo nhằm giải quyết triệt để, căn cơ. Ở khâu xuất khẩu, tình trạng “tranh mua, tranh bán” vẫn còn. Chính sách hỗ trợ của nhà nước để DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, phát triển sản phẩm mới chưa mang tính thuyết phục, vì vậy chưa kích thích DN nỗ lực trong vấn đề này. Giải quyết những vấn đề trên một cách căn cơ mới mong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu phát triển ổn định và bền vững.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “mất kiểm soát” của ngành hàng cá tra, trong đó nguyên nhân khách quan là do tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, cá tra giống lẫn cá thịt chết với tỷ lệ cao. Tình trạng thiếu hụt cá giống trầm trọng, sự thiếu hụt này làm cho cá giống có thời điểm lên đến 72.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi ương cá giống có được lợi nhuận “khủng”. Từ đó, ai cũng “nhảy vào” nuôi, dẫn đến cá giống lẫn cá thịt đã vượt cầu, nhiều người thua lỗ” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.

MINH HIỂN - (baoangiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản