Hiệu quả của liên kết sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn
Với mục tiêu hướng đến sản xuất lúa hiệu quả và bền vững, thời gian qua, Dự án VnSAT tỉnh tích cực tuyên truyền, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên quy mô cánh đồng lớn. Giữa hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp (DN) ngay từ đầu vụ đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hình thức HTX đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng với DN thu mua sản phẩm của các thành viên HTX. Cụ thể trong vụ Hè Thu 2018, có 10 HTX với diện tích 1.747ha, vụ Đông Xuân 2018-2019 có 8 HTX với diện tích 1.273ha. Theo kế hoạch, vụ Hè Thu năm 2019 sẽ có 6 HTX trong vùng dự án thực hiện với diện tích gần 2.000ha.
Máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lớn
Điển hình của quá trình liên kết sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hương Trang thuộc xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa. Được thành lập vào tháng 6/2016 với 20 thành viên, HTX Hương Trang có tổng diện tích canh tác 500ha, trong đó 200ha thực hiện cánh đồng lớn. Giám đốc HTX Hương Trang - Nguyễn Hoàng Vinh cho biết: “Thời gian qua, HTX liên kết với DN để cung ứng vật tư và thu mua lúa cho nông dân. Khi tham gia liên kết trên quy mô cánh đồng lớn, nông dân yên tâm sản xuất hơn vì đã có DN bao tiêu đầu ra trên toàn diện tích, không còn nỗi lo về việc bị thương lái ép giá”.
Khi thực hiện sản xuất liên kết theo cánh đồng lớn, các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa được áp dụng một cách đồng bộ; vật tư đầu vào được cung ứng kịp thời, giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng, nông dân được tư vấn hướng dẫn sử dụng nên hiệu quả cao hơn, khắc phục tình trạng mua bán vật tư kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, nông dân được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, hạn chế được tình trạng “được giá, mất mùa” hay “được mùa, rớt giá”. Về phía DN, thông qua việc xây dựng cánh đồng lớn, DN có vùng nguyên liệu ổn định, gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh do kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Anh Võ Văn Quân - thành viên HTX Hương Trang, chia sẻ: “Ngoài việc được bao tiêu đầu ra, nông dân chúng tôi được tham gia tập huấn và áp dụng các quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, nhờ đó giảm được chi phí. Ví dụ trước đây, lượng giống gieo sạ lên đến 160kg/ha, thì giờ tôi áp dụng quy trình tiên tiến nên giảm còn dưới 100kg/ha, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm nhiều, chi phí giảm đáng kể, lợi nhuận cao hơn”.
Những hạn chế
Bên cạnh những hiệu quả khả quan trên, vẫn còn một số hạn chế: Xảy ra tình trạng không tuân thủ hợp đồng, DN chậm thu mua sản phẩm của nông dân trong thời điểm lúa chín đồng loạt, một số nông dân và thành viên HTX còn canh tác theo tập quán cũ, chưa tuân thủ triệt để quy trình sản xuất do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chưa tham gia sinh hoạt, hội họp đầy đủ dẫn đến khó khăn trong triển khai chính sách. Ngoài ra, hạn chế của DN về nguồn vốn, hệ thống kho chứa bảo quản lúa và nhà máy chế biến để thu mua lúa cho nông dân cũng là những khó khăn cần được quan tâm giải quyết.
Để phát huy hiệu quả và khắc phục những hạn chế, tồn tại, thời gian tới, cần có những giải pháp thiết thực. Trong đó, tăng cường hoạt động công tác khuyến nông, đẩy mạnh ứng dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký sản xuất, đôn đốc, nhắc nhở nông dân sản xuất theo đúng quy trình; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời xử lý những vướng mắc, khó khăn, tạo sự đồng thuận giữa DN và nông dân, tăng cường liên kết sản xuất để đôi bên cùng có lợi.
Bên cạnh đó, cần quan tâm bố trí vốn để thực hiện chính sách hỗ trợ và đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi trong vùng phương án cánh đồng lớn lồng ghép với các chương trình, dự án trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của nông dân./.