Diệt rầy bằng công nghệ 4.0
Trong canh tác lúa, rầy nâu là một trong những đối tượng gây hại khá phổ biến. Thiệt hại do đối tượng này gây ra khá lớn, thậm chí có hộ mất trắng, phải gieo đi gieo lại nhiều lần. Để tiêu diệt đối tượng này, nông dân phải sử dụng lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, phun xịt nhiều lần, làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con nông dân. Nhận thấy những khó khăn trên, anh Trần Trung Hiếu đã dày công nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp diệt rầy hiệu quả, thân thiện với môi trường. Sau 2 tháng mài mò thí nghiệm, anh Hiếu đã cho ra đời sản phẩm đèn diệt rầy tự động sử dụng năng lượng mặt trời. Sản phẩm hiện đang được triển khai thí điểm tại diện tích đất của gia đình anh cũng như các hộ dân lân cận.
Những sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp của anh Hiếu được người dân đánh giá cao
Đèn diệt rầy tự động của anh Hiếu hoạt động theo nguyên lý cảm biến ánh sáng ngày và đêm. Ban ngày thì hệ thống sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời để sạc điện vào ắc-quy. Ban đêm, chế độ sạc tự động ngắt, điện từ ắc-quy được dùng để cung cấp điện cho lưới điện và đèn hoạt động. Theo tập quán, các loại côn trùng gây hại thấy ánh sáng bay vào và tự động bị diệt bởi các tấm lưới điện. “Máy hoạt động hiệu quả không chỉ đối với rầy nâu mà còn các loại đối tượng gây hại khác như: bướm, muỗi hành, ruồi vàng…” - anh Hiếu chia sẻ.
Hệ thống diệt sâu rầy tự động giúp nông dân cải thiện chi phí sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun vào môi trường tự nhiên. Sản phẩm vừa có thể sử dụng lâu dài, vừa có tác dụng bảo vệ môi trường do không phải sử dụng phân hóa học. Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm đáng kể, hiệu quả kinh tế được nâng cao. Đặc biệt, do sử dụng hoàn toàn bằng điện năng lượng mặt trời nên không phải tốn điện như nhiều đèn khác trên thị trường và an toàn cho người sử dụng.
Hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch
Ngoài đèn diệt rầy tự động, anh Hiếu còn nghiên cứu, chế biến phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Sản phẩm góp phần giải quyết bài toán về môi trường sau khi thu hoạch lúa, đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững trong bối cảnh đồng ruộng bị ô nhiễm và “ngộ độc” do người dân lạm dụng các loại phân bón hóa học cho cây trồng.
Theo anh Hiếu, việc canh tác lúa đã sản sinh ra một lượng lớn rơm rạ. Lượng rơm rạ này được nông dân xử lý với nhiều hình thức khác nhau như: trữ lại làm thức ăn cho bò; cuộn bán thô… nhưng giá trị của rơm vẫn còn rất thấp. Cùng với các biện pháp xử lý trên thì xử lý rơm theo hình thức đốt và xới dập gây ảnh hưởng đến môi trường, sự phát triển của cây lúa trong vụ sau… Để khắc phục hạn chế trên, anh Hiếu đã nảy ra ý định sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ nhằm tận dụng rơm rạ ủ thành phân hữu cơ sinh học bón cho cây trồng, giảm giá thành đầu tư cho sản xuất, tạo sản phẩm an toàn khi thu hoạch, cải thiện môi trường sống, hạn chế ô nhiễm môi trường và nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Việc sản xuất phân hữu cơ từ rơm rạ theo anh Hiếu không khó thực hiện. Rơm rạ sau khi được thu mua sẽ được cắt nhỏ, trộn với phân bò, nấm trichodarma và các thành phần phụ gia khác rồi tiến hành ủ. Sau khoảng 45 ngày có thể sử dụng. “Theo tính toán, cứ 1ha sẽ cho 6 tấn rơm tươi. Sau khi ủ sẽ cho hơn 3 tấn phân hữu cơ. Loại phân này chứa đầy đủ các thành phần dinh dưỡng cung cấp cho cây. Việc dùng phân hữu cơ này giúp giảm đáng kể lượng phân hóa học, lại tăng độ phì nhiêu cho đất nên tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - anh Hiếu cho biết.
Trước đó, anh Trần Trung Hiếu đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường sản phẩm máy phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng pin năng lượng mặt trời. Với những sáng kiến của mình, anh Hiếu mong muốn mọi người có điều kiện tiếp cận với các phương pháp canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ. Giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người và môi trường, đồng thời nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.