Nhiều hộ dân ở ấp Cần Súc (Loan Mỹ- Tam Bình) tham quan mô hình sản xuất lúa cấp nguyên chủng.
Đây cũng là lý do để dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh có mặt tại địa phương này qua 2 vụ sản xuất gần đây và nhiều triển vọng duy trì, mở rộng mô hình này trong những vụ tới.
Tham gia dự án trong vụ Thu Đông này, anh Thạch Mẫn (ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ- Tam Bình) có 1ha cấy lúa siêu nguyên chủng giống OM 5451. Theo anh Mẫn, do thiếu nhân công nên anh còn khó khăn trong việc khử lẫn, bởi việc làm lúa giống đòi hỏi nghiêm ngặt ở khâu này.
Nhưng nhờ nhiều năm kinh nghiệm sản xuất giống cũng như chịu khó học hỏi, nên mọi khó khăn đều khắc phục được, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đạt yêu cầu dự án đề ra. Anh Mẫn hứa “đeo” dự án tới cùng vì đối với anh làm lúa giống ngoài lợi ích kinh tế thì còn có cả niềm đam mê.
Có tổng diện tích 2ha tham gia dự án ở vụ Đông Xuân 2018- 2019, ông Thạch Thanh Minh (ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ- Tam Bình) đăng ký làm thêm 5 công trong vụ lúa Đông Xuân sắp tới với giống lúa thơm như OM 4900, Jasmine 85, LH 8,… Ông Minh muốn thử sản xuất nhiều giống lúa nhằm đa dạng chủng loại giống phục vụ nhu cầu giống lúa rất lớn tại địa phương.
Tại hội thảo đầu bờ dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh tại mô hình ở ấp Cần Súc (Loan Mỹ- Tam Bình), nhiều hộ dân bày tỏ mối quan tâm đến một số giống lúa thơm, chất lượng cao để đưa vào sản xuất trong những vụ lúa tới.
Bởi lâu nay nhiều bà con ở đây không còn sử dụng các giống chất lượng thấp như IR 50404, mà lựa chọn sản xuất OM 5451 hay một số giống lúa thơm, lúa chất lượng cao cho hầu hết các vụ lúa trong năm.
Thông tin đáng chú ý từ Trại Lúa giống tỉnh, giống lúa OM 5451 sau thời gian dài sản xuất thì những năm gần đây giống này đã bị nhiễm bệnh cháy lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông khiến năng suất giảm đáng kể.
Giải pháp thay thế, Viện Lúa ĐBSCL đã cho ra mắt 2 loại giống mới có khả năng thay thế là OM 429 và OM 344, 2 giống này ít sâu bệnh hơn nên không cần sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật nhưng chất lượng gạo, cơm ngon không thua OM 5451.
Thêm nữa, sắp tới đây, giống lúa OM 5451 sẽ được một doanh nghiệp lớn đăng ký bản quyền và độc quyền phân phối nên sẽ gia tăng áp lực cung ứng, giá sẽ tăng lên. Do đó, người dân cũng cần quan tâm đến 2 loại giống trên để có phương án chuyển đổi phù hợp.
Riêng giống lúa thơm LH8 với đặc tính nổi bật là chịu phèn, chịu mặn ở ngưỡng 4‰, cũng được nhiều hộ quan tâm bởi rất thích hợp sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, giống này khá yếu rạ nên khó sản xuất hiệu quả trong vụ Hè Thu và Thu Đông.
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng giống lúa chất lượng cao tại địa phương, năm 2019, huyện Tam Bình triển khai dự án củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần là 24,5ha.
Trong đó, vụ Đông xuân 11,7ha, vụ Hè Thu 3ha và vụ Thu Đông 9,8ha. Huyện có 13 cơ sở tham gia sản xuất, gồm: xã Song Phú có 4 cơ sở, Hòa Hiệp 3 cơ sở, Phú Lộc 2, Loan Mỹ 2, Mỹ Lộc 1 và Hòa Thạnh 1 cơ sở. Giống sản xuất là OM 5451.
Theo bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống (Trung tâm Giống nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp- PTNT), ban quản lý dự án đã hướng dẫn người dân tham gia mô hình phương pháp làm mạ, chăm sóc mạ, phân lô trên ruộng, kỹ thuật cấy 2 tép/bụi, khử lẫn, chăm sóc quản lý sâu bệnh trên đồng ruộng.
Dự án đã hỗ trợ 30% tổng chi phí sản xuất lúa nguyên chủng, giúp các cơ sở giảm chi phí thuê nhân công cấy và khử lẫn, góp phần mang lại lợi nhuận cao hơn cho người làm lúa.
Nhìn chung, ruộng sản xuất của các cơ sở cho thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, qua kiểm định đồng ruộng các cơ sở đều đạt cấp giống nguyên chủng. Lúa phát triển tốt, dự kiến năng suất thu hoạch bình quân đạt 7 tấn lúa tươi/ha.
Qua thực tế triển khai, những khó khăn trong canh tác lúa cấp giống nguyên chủng là đòi hỏi người tham gia dự án phải có công lao động, ruộng phải chủ động nước, đường giao thông phải thuận tiện cho việc thu mua và người làm lúa giống phải có kinh nghiệm trong việc khử lẫn… nên rất khó trong việc tuyển chọn hộ mới.
Hiệu quả kinh tế dự án mang lại: năng suất lúa giống (lúa tươi) là 6,8 tấn/ha, cao hơn so với sản xuất lúa hàng hóa 100 kg/ha. Tuy chi phí sản xuất, giá thành 1kg lúa giống cao hơn so với lúa hàng hóa nhưng bù lại giá bán cao hơn nên lợi nhuận mà lúa giống mang lại cũng cao hơn khoảng 12,5 triệu đồng/ha.
Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn mang lại hiệu quả xã hội lớn như tạo sự chủ động, cung cấp giống lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng, hình thành mạng lưới nhân giống lúa chất lượng tại chỗ cung ứng giống cho địa phương với giá tốt nhất.
Từ những kết quả trên, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh khuyến nghị các cơ sở tiếp tục sử dụng nguồn giống cấp nguyên chủng này để sản xuất lúa xác nhận phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, khuyến khích duy trì mô hình tạo nguồn lúa giống đạt chất lượng, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao.
Với những nỗ lực của ngành chuyên môn cũng như bà con nông dân trong việc nâng cao năng lực sản xuất giống lúa ở các địa phương, tin rằng sẽ sớm đạt được mục tiêu dự án là củng cố và nâng cao năng lực sản xuất hệ thống nhân giống lúa thuần (cấp nguyên chủng, cấp xác nhận) đảm bảo hạt giống đạt chất lượng, năng suất cao, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm lúa gạo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nông dân.
Dự án “Củng cố và nâng cao năng lực cho hệ thống nhân giống lúa thuần của tỉnh giai đoạn 2016- 2020” có diện tích thực hiện trong năm 2019 là 75ha; trong đó Tam Bình: 24,5ha, Vũng Liêm: 18ha, Trà Ôn: 17,5ha, Mang Thít: 6ha, Bình Tân: 6ha và Long Hồ: 3ha. Sản lượng lúa giống dự kiến đạt 368 tấn. Tham gia dự án, nông dân được hỗ trợ 30% tổng chi phí sản xuất giống cấp nguyên chủng là trên 9 triệu đồng/ha. Dự án thu hồi 30% tổng kinh phí hỗ trợ (khoảng 2,7 triệu đồng). |