Khi thực hiện dự án sẽ giúp vùng bưởi da xanh huyện Long Mỹ đạt chất lượng VietGAP và nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm.
Hợp tác xã (HTX) Tiến Nông là nơi trồng đầu tiên và có diện tích bưởi da xanh nhiều nhất ở huyện Long Mỹ. Đến nay, HTX đã tăng quy mô diện tích lên 14ha chỉ sau 1 năm thành lập. Hiện tại, có hơn 6ha bưởi đã cho trái, năng suất đạt khoảng 7,5 tấn/ha. Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc HTX Tiến Nông, chia sẻ: “Huyện Long Mỹ đa số là đất phèn nên từ trước đến nay nông dân chỉ biết trồng mía, lúa. Từ khi Nhà nước và chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cây trồng, kết hợp cử cán bộ kỹ thuật, nhà khoa học xuống đây cải tạo đất, ngọt hóa, rửa phèn, hướng dẫn người dân trồng cây có múi, nhờ vậy diện tích bưởi da xanh đã bắt đầu hình thành và tăng quy mô như hôm nay”.
Thành lập từ năm 2017, HTX đã được UBND huyện hỗ trợ bằng cách đặt hàng nhà khoa học đến nghiên cứu và xây dựng quy trình cũng như hướng dẫn sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 20ha. HTX Tiến Nông còn thường xuyên được ngành có liên quan tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để thành viên ứng dụng tốt vào cây bưởi, đặc biệt là liên kết tạo đầu ra ổn định cho trái bưởi. Phát huy những lợi thế, năm 2018 vừa qua, HTX Tiến Nông đã vận động người dân tham gia mô hình hợp tác sản xuất, tập trung phát triển diện tích trồng bưởi da xanh lên 17ha và áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP theo hướng dẫn của các nhà khoa học.
Kế thừa những thành tựu mà địa phương, HTX đã dày công thực hiện, tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai dự án “Xây dựng mô hình nâng cao năng suất, chất lượng trái bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”. Dự án hướng tới mục đích xây dựng mô hình canh tác phù hợp trên từng điều kiện nhóm đất để gia tăng năng suất, chất lượng tối đa nhất.
“Theo đó, chúng tôi sẽ xây dựng 4 mô hình canh tác phù hợp từng điều kiện nhóm đất như đất phù sa, đất phèn nhẹ, phèn nặng. Trong các mô hình sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để chất lượng trái bưởi đạt chuẩn VietGAP. Cuối cùng, sản phẩm của dự án ngoài việc cung ứng cho thị trường những trái bưởi chất lượng, còn có cả một hệ thống quy trình canh tác bưởi theo từng nhóm đất, gồm công thức phân, thuốc phù hợp, tiết kiệm nhất. Triển vọng của dự án là tạo ra những trái bưởi mang hương vị đặc trưng của tỉnh Hậu Giang, chất lượng tốt hơn so với cách trồng thông thường mà nông dân đã từng làm”, bà Nguyễn Thị Kiều chia sẻ.
Theo chân nhà khoa học, chúng tôi đến huyện Long Mỹ để tìm hiểu quá trình chuyển đổi mô hình nông nghiệp theo định hướng của dự án. Ở đây, những vườn bưởi xanh um lá, xa xa những vườn khác thì đang trĩu trái thay thế những ruộng mía, ruộng lúa kém hiệu quả kinh tế ngày nào. Chỉ vào những liếp đất cao ráo, ông Trần Văn Tôn chia sẻ thêm: “Cán bộ kỹ thuật đã đến đây lấy mẫu đất để xét nghiệm xem có bị nhiễm kim loại nặng hay không. Còn những mô đất trồng bưởi thì đã được cải tạo phèn, bổ sung phân hữu cơ từ những ngày đầu xuống giống. Nhờ vậy, mấy cây bưởi phát triển tốt mà không cần bón nhiều phân hóa học hay xịt nhiều thuốc”.
Bà Kiều cho biết thêm: Thực hiện dự án, chúng tôi sẽ chọn một số vườn đối chứng đã trồng trước của người dân, cùng với đó xây dựng 4 khu vườn mới bằng cách xử lý đất, cải tạo dư lượng kim loại nặng, bón bằng phân hữu cơ oai từ phế phẩm nông nghiệp; xử lý chế phẩm hòa tan lân, cố định đạm… Kết hợp bón phân cân đối để nâng pH đất nhằm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây bưởi da xanh. Ngoài ra, còn có nấm Trichoderma.sp giúp đối kháng bệnh cho cây. Điểm mới của dự án là có tích hợp phần mềm kipus, hướng dẫn bà con sử dụng phần mềm trong quá trình đăng ký sản phẩm bưởi VietGAP. Phần mềm này sẽ cập nhật tất cả những bước làm, thời gian bón phân, liều lượng phân bón của nông dân nhằm tăng tính minh bạch của sản phẩm khi cung ứng cho người tiêu dùng. Phần mềm này còn giúp tăng giá trị cho sản phẩm bưởi VietGAP của nông dân, giúp tạo sự khác biệt giữa sản phẩm thông thường và bưởi đạt chuẩn VietGAP.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ thì bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh, huyện thì địa phương cũng đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân huyện phát triển vùng cây có múi. Thông qua các đề tài, dự án, người dân được tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP. Hàng năm, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học, vốn chương trình mục tiêu, huyện cũng hỗ trợ nâng cao kỹ thuật, chi phí giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Ngoài ra, khi nông dân hay HTX có phương án sản xuất về lĩnh vực nông nghiệp thì có thể vay vốn ưu đãi. Nhờ vậy, diện tích trồng cây bưởi của nông dân và HTX tại huyện đã tăng lên hơn 80ha như hiện nay.
Theo Bí thư Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước, huyện đã đề ra Chương trình phát triển, quy hoạch vùng chuyên canh cho cây bưởi trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có múi ở những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Huyện cũng thường xuyên quan tâm và mời nhà khoa học về hỗ trợ giúp nông dân sản xuất chuyên canh cây có múi gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm bưởi da xanh của huyện Long Mỹ. Mong rằng, tới đây bưởi da xanh huyện Long Mỹ sẽ được giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hiện nay, trên thị trường cả nước, bưởi da xanh luôn được giá và hút hàng. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở huyện Long Mỹ cũng đã bắt đầu chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Vì vậy, việc ứng dụng kỹ thuật mới sẽ rất phù hợp với xu hướng hiện nay. Hy vọng, khi dự án kết thúc, ngoài 40ha bưởi da xanh mà dự án thực hiện đạt chuẩn VietGAP thì trên địa bàn huyện Long Mỹ sẽ có nhiều nông dân ăn nên làm ra với cây bưởi. Vùng đất phèn khó khăn Vĩnh Viễn nói riêng và huyện Long Mỹ nói chung sẽ khá hơn nhờ cây ăn trái.