Vùng nuôi thủy sản TX Sông Cầu.
Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung đã có kết quả quan trắc môi trường nước cấp cho vùng nuôi, sản xuất giống tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển ở xã Xuân Hải, xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu (thời gian quan trắc từ ngày 6-7/10/2019).
Theo đó, hầu hết các thông số chất lượng nước đều nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn cho phép đối với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, một số yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép, cụ thể như hàm lượng oxy hòa tan (DO) tại 3 điểm quan trắc trong đầm Cù Mông (thôn 1, gần chân cầu Bình Phú và Vịnh Hòa) dao động từ 4,58-4,86 mg/l, thấp hơn 5,0 mg/l nên chưa phù hợp theo QCVN 10-MT: 2015/BTNMT đối với vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh (DO>5,0 mg/l); nhưng thích hợp để cấp vào ao nuôi tôm nước lợ theo QCVN 02-19:2014-BNNPTNT (DO≥3,5 mg/l).
Bên cạnh đó, vi khuẩn Vibrio tổng số có mật độ >1.000 cfu/ml tại 4 điểm gồm: thôn 1 (2,1x1.000 cfu/ml), thôn 5 (1,4x1.000 cfu/ml), gần chân Cầu Bình Phú (2,3x1.000 cfu/ml) và Vịnh Hòa (1,2x1.000 cfu/ml).
Đáng lưu ý kết quả các mẫu nước quan trắc ở thôn 1, xã Xuân Hải và gần chân cầu Bình Phú phát hiện vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh chết sớm.
Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết trong khu vực từ ngày 9 - 19/10 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, gió giật mạnh.
Trước tình hình đó, Trung tâm Quan trắc Môi trường và bệnh thủy sản miền Trung khuyến cáo người nuôi thủy sản cần áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ vật nuôi.
Đối với tôm nước lợ nên lấy nước vào ao chứa, khử trùng bằng iodine, TCCA nhằm loại bỏ vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh chết sớm, nhất là đối với các vùng nuôi lấy nước bên trong đầm Cù Mông (thôn 1 Xuân Hải, xung quanh khu vực chân cầu Bình Phú). Còn đối với nước ao nuôi, định kỳ sử dụng các loại chế phẩm sinh học (Bacillus sp. và Lactobacillus sp., ...) được phép lưu hành, liều lượng và cách dùng theo nhà sản xuất để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio sp. gây bệnh.
Lưu ý các ao nuôi nên duy trì mực nước từ 1,3m trở lên, tăng cường chạy quạt nước, sục khí để cải thiện oxy hòa tan trong nước ao nuôi (>4,0 mg/l) nhằm đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm nuôi. Đồng thời theo dõi sức tiêu thụ thức ăn của tôm (kiểm tra nhá, hoặc lặn đáy) để điều chỉnh hợp lý.
Ngoài ra, nên giảm lượng thức ăn khi trời mưa dông, đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất và lợi khuẩn vào thức ăn tôm, nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Thường xuyên theo dõi tôm nuôi (phản ứng, trạng thái vỏ, đường ruột, gan tụy, phân tôm, đặc biệt là EHP) để có biện pháp xử lý kịp thời. Các ao nuôi sau thu hoạch cần thu gom, xử lý chất thải đúng quy định, nhất là xử lý nguồn nước thải trước khi xả bỏ ra môi trường. Đồng thời, tuân thủ lịch thời vụ năm 2019 của địa phương, không thả giống nuôi trái vụ.
Đối với nuôi tôm hùm, cá biển, người nuôi không đặt lồng nuôi gần bờ, gần đáy để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm hùm, cá biển nuôi; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, dãn cách lồng nuôi nhằm tạo sự thông thoáng.
Chú ý nguồn nước trong đầm Cù Mông có mật độ Vibrio tổng số cao, vượt ngưỡng cho phép làm tăng nguy cơ tôm hùm, cá biển nuôi nhiễm Vibriosis.
Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra, tách riêng các cá thể yếu, nhiễm bệnh ra khỏi lồng nuôi, thao tác nên nhẹ nhàng, tránh xây xát, đồng thời thực hiện các giải pháp phòng ngừa bệnh theo Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT, điều trị bệnh sữa, đỏ thân trên tôm hùm nuôi đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành (TBKT 03-02:2017/BNNPTNT).
Lựa chọn nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, sát trùng thức ăn bằng thuốc tím; bổ sung lợi khuẩn, vitamin và khoáng chất vào trong thức ăn cho tôm, cá nuôi, nhằm tăng cường sức đề kháng.
Người nuôi cần gia cố lồng bè, hệ thống dây neo, phao lồng, lưới, đề phòng trong cơn dông xảy ra lốc, gió giật mạnh làm hư hỏng lồng bè, gây thất thoát vật nuôi. Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, các thông báo của chính quyền địa phương để chủ động trong việc ứng phó với sự thay đổi thời tiết... |