Anh Thức sẽ tạo thêm nhiều mẫu mã mới trên trái xoài đưa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán tới đây.
Mô hình trồng xoài Đài Loan in chữ thư pháp của anh Bùi Văn Thức, ở ấp Phú Hòa, hơn 2 năm nay không còn xa lạ với người dân huyện Châu Thành, cũng như cả tỉnh Hậu Giang và nhiều tỉnh, thành khác. Dịp Tết Nguyên đán năm 2019, anh Thức đã xuất 1.000 trái xoài xanh, 200 trái xoài đỏ Đài Loan có in chữ thư pháp tài - lộc, với giá dao động từ 100.000-180.000 đồng/trái. Giá thành đó gấp cả chục lần khi bán xoài ký thông thường.
Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao điển hình của xã Đông Phú. Hiện nay, trong khu vườn nhà, anh Thức trồng gần 800 gốc xoài Đài Loan và 200 gốc nhãn. Để có được thành quả những chữ thư pháp tài - lộc rất đẹp trên từng trái xoài, là cả hành trình kỳ công, đi học hỏi nhiều nơi và thử nghiệm không biết bao nhiêu lần của anh Thức.
“Bây giờ mình làm được rồi, hỏi dễ hay khó cũng không biết trả lời sao, nhưng sẽ rất khó với những ai thiếu sự kiên nhẫn. Tôi đã có những lần thất bại, nhưng quan trọng là sau mỗi lần thất bại đó, mình vẫn tiếp tục với đam mê, nên dù có gì vẫn cố gắng vượt qua hết, để thực hiện thành công mô hình”.
Bây giờ, anh Thức không chỉ thử nghiệm và sản xuất chữ tài lộc, mà còn sử dụng nhiều chữ thư pháp khác, cùng nhiều chữ mới ngay trên một trái xoài. Bên cạnh đó, anh còn đang nghiên cứu tạo ra xoài bon sai, cho nhiều trái và có in chữ thư pháp cho cây xoài trong chậu. Song song đó, là sản xuất bonsai đu đủ. Anh Thức chia sẻ: “Thật sự có được kết quả như hôm nay ngoài sự nỗ lực hết mình, gắng sức của bản thân, cũng phải nói đến sự trợ giúp, hỗ trợ từ các anh chị ở trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật của huyện, những cán bộ kỹ thuật tại xã. Tôi cũng hay liên hệ để được tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm. Nhà tôi thuần nông, đời cha ông đã gắn bó với nông nghiệp, nay mình tiếp bước, nhưng bây giờ làm nông nghiệp phải phù hợp với thị trường, với nhu cầu, có cái mới lạ, có vậy mới có thể trụ vững lâu dài được”.
Trong câu chuyện của mình, anh Thức cũng chia sẻ rằng hồi đó anh chỉ học đến lớp 10, do hoàn cảnh gia đình rồi nghỉ học ở nhà làm vườn, nuôi cá với cha mẹ. Cuộc sống cũng êm đềm trôi qua, làm đủ ăn đủ mặc, mãi đến 4-5 năm nay, khi những nông dân Hậu Giang phát huy tinh thần sáng tạo, điển hình như ông Võ Trung Thành - được mệnh danh là “Vua bưởi hồ lô, bưởi tạo hình” của Hậu Giang, đã giúp cho anh Thức thêm nhiều ý tưởng để thực hiện những mô hình sáng tạo trong nông nghiệp.
Chị Trần Thiện Thiên Trang, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, cho biết: “Anh Thức chịu khó lắm, rất hay chia sẻ về những ý tưởng và điều mong muốn với chúng tôi. Thật sự thì sự thành công hôm nay của anh chính là nhờ công lao của anh thôi. Dám thử nghiệm, thử sức và thậm chí chấp nhận thất bại để có được thành công như hôm nay. Nhưng phải nói là anh quá năng động”.
Trên địa bàn xã Đông Phú diện tích đất vườn hầu như đã không còn cam bưởi, đa phần đã chuyển sang hết trồng mít Thái và xoài (nhiều nhất vẫn là xoài Đài Loan). Chia sẻ về việc bỏ vườn cam bưởi để trồng mít cả khu vườn, ông Nguyễn Thanh Nhu, cũng ở ấp Phú Hòa, cho biết, ông gắn bó với cây cam, cây bưởi 6-7 năm, trước đó đất này chỉ là ruộng. Trồng cam sành sau khi cho trái được hơn một năm thì bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện, vườn coi như tiêu điều. Vẫn cố gắng gắn bó với cây có múi, sau đó ông tiếp tục trồng bưởi da xanh, nhưng tình hình vẫn không khá hơn là mấy. Rồi sau đó đến trồng chanh không hạt, gần 5 năm nay, trên hơn 8 công đất của gia đình, ông Nhu bắt đầu trồng mít Thái với hơn 1.100 gốc. Tuần nào ông cũng thu hoạch cho thu nhập từ 3-4 triệu đồng, có lúc rộ cũng được mười mấy triệu đồng/tuần. Gia đình ông và nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng nơi đây sống khỏe với mít.
Ông Nhu bộc bạch: “Vùng này trước đây quy hoạch cây có múi mà nghe nói định hướng trồng cam hoặc bưởi, hai loại đã tạo nên thương hiệu của Châu Thành, nhưng thật sự, tôi cũng đã cố gắng duy trì cây có múi, nhưng nó bệnh hoài, kham không nổi, nên mới đổi sang mít. Ở ấp này, tôi thấy khoảng 80% diện tích đất vườn đã trồng mít Thái rồi, không phải là không nghe theo khuyến cáo ngành chức năng, vì hiện tại đầu ra cũng ổn, mà thu nhập từ mít có người đã giàu lên rồi đó”.
Ông Lê Thanh Hồng, Chủ tịch UBND xã Đông Phú, bày tỏ: “Những người nông dân như anh Thức, chú Nhu đã thể hiện được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đặc biệt là làm hiệu quả. Hy vọng sẽ có thêm nhiều mô hình mới ra đời trên lĩnh vực nông nghiệp ở quê hương Đông Phú này”.