Tăng thu nhập từ mô hình chuyển đổi

Thứ hai, 28 Tháng 10 2019 07:31 (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất nên nhiều hộ dân của huyện Vị Thủy đã cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Nhờ được thường xuyên chuyển giao khoa học kỹ thuật từ ngành chuyên môn nên các rẫy dây của người dân đều đạt năng suất cao.

Ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, là vùng đất bị nhiễm phèn nặng nên việc canh tác lúa của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn và thường không mang lại hiệu quả kinh tế cao do năng suất lúa thấp, chi phí đầu tư cao. Do đó, để cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn bỏ cây lúa để chuyển sang trồng rau màu, trong đó chủ lực là bí đao, dưa leo và mướp. Sau thời gian chuyển đổi, các mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu vui cho nông dân nên dần tăng số lượng hộ và diện tích đất lúa chuyển sang trồng màu.

Chia sẻ trong niềm phấn khởi khi vừa thu hoạch xong 5 công mướp của gia đình chuẩn bị giao cho thương lái, ông Trần Văn Út, ở ấp Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nhờ mô hình trồng rẫy dây này mà 3 năm nay cuộc sống gia đình tôi được ổn định và có điều kiện lo cho con cái học hành tốt hơn. Bởi, với diện tích đất này khi còn làm ruộng nguồn thu nhập mỗi năm từ 2 vụ lúa (Đông xuân và Hè thu) của gia đình chỉ khoảng 25 triệu đồng là cao. Số tiền này không đủ trong việc trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi chuyển sang trồng rẫy dây thì mức lợi nhuận thu được mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, cao gấp gần 10 lần so với trồng lúa”.

Mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rẫy dây đang tạo nguồn thu nhập cao cho người dân huyện Vị Thủy.

Cũng theo ông Út, tùy theo sở thích của mỗi người và luân chuyển mùa vụ mà bà con chọn trồng dưa leo, mướp hay bí đao, khổ qua… để bán cho thương lái. Rẫy dây thường trồng từ 40-45 ngày là bắt đầu cho thu hoạch và mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng. Riêng 5 công mướp của ông Út, trong thời gian hái trái như lúc này thì bình quân mỗi ngày ông thu hoạch trên 500kg, giá bán dao động 6.000-6.500 đồng/kg. Như vậy, với giá bán này thì mỗi ngày ông Út kiếm được nguồn thu nhập 1,5-2 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. “Trồng đồ rẫy nhẹ công, bón phân, xịt thuốc nhưng phải dành nhiều thời gian chăm sóc nên có khi cả ngày phải ở ngoài đồng. Thế nhưng, bù lại là cho nguồn thu nhập cao nên tạo động lực cho tôi gắn bó với nghề”, ông Út cho biết thêm.

Từ thành công của một vài hộ tiên phong thực hiện mô hình chuyển đổi như ông Út nên dần bà con xung quanh đã làm theo. Do đó, diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau màu ở ấp Vĩnh Thạnh tăng dần qua từng năm và hiện đã có hơn 10ha thực hiện mô hình chuyển đổi. Đặc biệt, để làm cơ sở đánh giá tính hiệu quả sau đó tổ chức khuyến cáo người dân nhân rộng và làm điểm tham quan, học tập cho bà con trong, ngoài xã Vĩnh Tường, vào đầu năm nay, từ nguồn kinh phí của huyện, Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy đã thực hiện mô hình “Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu gắn với tiêu thụ sản phẩm” cho hộ trồng màu tại xã Vĩnh Tường, với diện tích 6,79ha/7 hộ. Khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 50% chi phí tiền hạt giống, màng phủ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, còn được liên kết với thương lái để tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Ông Trần Văn Tâm, có 5 công đất tham gia mô hình cùng bà con ở ấp Vĩnh Thạnh, thông tin: “Ngoài hỗ trợ kinh phí, bà con còn được chia sẻ kinh nghiệm trồng rau màu đạt hiệu quả từ những hộ thực hiện trước nên hầu hết nông dân trong mô hình đều sản xuất thành công. Mặt khác, điều mà bà con cảm thấy an tâm là sau khi thu hoạch những loại rẫy dây của mình xong thì đều có thương lái đến tận nhà cân sản phẩm với giá thị trường và đảm bảo mức có lời cho nông dân. Riêng tôi, với 5 công bí đao thì sau khi kết thúc mùa vụ thu hoạch đợt này, ước tính sẽ kiếm được khoảng 50 triệu đồng tiền lợi nhuận”.

Không riêng gì ông Tâm mà hầu hầu hết bà con trong và ngoài mô hình đều đánh giá cao hiệu quả của việc chuyển đổi sang trồng màu với những loại cây chịu hạn, tiết kiệm nguồn nước và góp phần làm đa dạng sản phẩm nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng diện tích đất canh tác. Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho hay: Từ những kết quả đạt được của mô hình trình diễn về chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu gắn với liên kết đầu ra sản phẩm và qua thực tế sản xuất từ trước của người dân tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường thì tới đây địa phương có kế hoạch chọn địa điểm để nhân rộng mô hình nhằm giúp cho nhiều hộ dân thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu được tốt hơn. Ngoài ra, trong chỉ đạo nhân rộng, địa phương sẽ chú ý đến việc khuyến khích người dân tập trung sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, đồng thời nghiên cứu tạo ra sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới cho các xã trong huyện. Riêng những hộ trồng rau màu tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường sẽ xem xét đầu tư hệ thống thủy lợi và thành lập hợp tác xã (HTX) để bà con liên kết sản xuất, hợp tác doanh nghiệp lo đầu ra sản phẩm và được hỗ trợ nhiều chính sách liên quan đến HTX để hướng đến tính bền vững... 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản