Trước những nhận định của Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Sóc Trăng đã đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu tôm nước lợ của tỉnh bằng việc chỉ đạo cụ thể đến từng đơn vị trực thuộc và các địa phương để có vụ tôm nuôi thắng lợi. Theo đó, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019 từ ngày 15-1 đến ngày 30-9, toàn tỉnh đã thả nuôi hơn 43.209ha, đạt 87% so với kế hoạch và bằng 101% so với cùng kỳ, diện tích thiệt hại chiếm 9,3% diện tích thả nuôi, đã thu hoạch 15.267ha, ước sản lượng hơn 60.739 tấn.
Nuôi tôm áp dụng công nghệ cao là một trong những mô hình tăng năng suất, sản lượng tôm nuôi trên cùng diện tích đất. Ảnh: Thúy Liễu
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, người nuôi tôm nước lợ trong tỉnh đã tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, không còn thả ồ ạt như trước, chỉ thả với hình thức thăm dò nên hầu như tình hình dịch bệnh trên tôm xảy ra với quy mô nhỏ và diện tích thiệt hại giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do biến động các yếu tố môi trường (chiếm 62,2%), đó là những thời điểm thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa làm các chỉ tiêu lý, hóa trong ao biến động, gây ảnh hưởng tôm nuôi, bệnh hoại tử gan tụy cấp 24%; bệnh đốm trắng 7,7% và bệnh phân trắng 6,1%.
Thời gian tới, các yếu tố môi trường vẫn là tác nhân chính gây thiệt hại cùng với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Nhằm giảm thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, tuyên truyền kỹ thuật để người nuôi tôm có thể chủ động sản xuất cũng như tập trung tuyên truyền về lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ, thời tiết, quan trắc môi trường, các giải pháp nuôi tôm có hiệu quả, nuôi tôm giảm chi phí bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thực hiện theo Luật Thủy sản năm 2017; hậu quả của việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản làm ô nhiễm môi trường, mất an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản; kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng trên tôm nuôi; tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trong ương dưỡng tôm giống.
Phối hợp Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề nuôi tôm giảm giá thành, hội nghị phát triển ngành tôm nước lợ có sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT”. Bên cạnh đó, sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật các mô hình thành công đưa vào thực tiễn sản xuất như: mô hình ứng dụng chế phẩm hữu cơ trong nuôi tôm nước lợ; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sử dụng nước từ ao nuôi cá chẽm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng ao nuôi lót bạt; mô hình nuôi tôm lót bạt lưới… giúp người nuôi tôm sản xuất hiệu quả và giảm chi phí giá thành.
Để hoàn thành kế hoạch nuôi tôm nước lợ là 49.700ha (tôm sú 23.000ha; tôm thẻ 26.700ha), sản lượng tôm nước lợ 138.500 tấn (tôm sú 30.600 tấn; tôm thẻ 107.900 tấn) trong năm 2019, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: “Ngành nông nghiệp sẽ tập trung theo dõi, chỉ đạo các giải pháp nuôi tôm bền vững, giảm chi phí giá thành, quản lý nuôi tôm nước lợ theo khung mùa vụ và thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm phòng, chống thiệt hại trên tôm nuôi.
Áp dụng mô hình nuôi theo hướng liên kết chuẩn đầu vào phù hợp và đầu ra ổn định; kiểm soát giống bố mẹ nhập tỉnh để sản xuất giống có chất lượng, sạch bệnh phục vụ cho người nuôi tôm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quan trắc môi trường nước, quan trắc dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm để cảnh báo dịch bệnh cho người nuôi.
Cung cấp thông tin thời tiết cho các địa phương chỉ đạo vùng nuôi và phổ biến đến tận người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mua bán, sử dụng thức ăn, hóa chất cấm, chế phẩm sinh học không có trong danh mục được phép lưu hành, con giống không rõ nguồn gốc; tuyên truyền thực hành nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP...”.