Chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập. Ảnh: H.THU
Gắn bó với 7 công mía gần một đời người, dù gặp không ít lần thăng trầm nhưng giờ đây ông Phạm Minh Tâm, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã mất hết niềm tin với loại cây trồng này, bởi liên tục nhiều năm liền cây mía không mang lại hiệu quả. Chính vì thế, sau vụ thu hoạch mía năm rồi, ông Tâm đã quyết định bỏ mía để chuyển sang trồng chanh không hạt theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện.
Tham gia mô hình, ông Tâm được hỗ trợ 100% cây giống, được tập huấn khoa học kỹ thuật canh tác chanh. Đặc biệt, ông Tâm hoàn toàn an tâm về đầu ra vì được Công ty The Fruit Pepublic, ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, bao tiêu toàn bộ sản lượng chanh sau khi thu hoạch.
“Là một nông dân thì ai cũng muốn làm giàu trên mảnh đất của mình, hiện nay cây mía đã không cho thu nhập thì mình phải tìm loại cây trồng khác để thay thế. Qua quá trình tìm hiểu thì gia đình thấy cây chanh không hạt phù hợp và điều quan trọng là chanh đã được công ty bao tiêu nên không sợ tình trạng bấp bênh về đầu ra như những loại cây trồng khác”, ông Tâm chia sẻ.
Khóm MD2 được nông dân huyện Phụng Hiệp trồng khá thành công. Ảnh: D.KHÁNH
Theo Trạm Khuyến nông huyện Phụng Hiệp, năm 2019 huyện đã vận động người dân chuyển đổi khoảng 100ha đất mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt, có bao tiêu của Công ty The Fruit Pepublic (Hà Lan).
Đến nay, bà con đã xuống giống được khoảng 5 tháng, cây phát triển tốt. Ngành nông nghiệp huyện cũng phối hợp với bộ phận khuyến nông của công ty tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con ngay từ khâu xuống giống, để từng bước áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Chính nhờ việc hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn vay, cây giống sạch bệnh cùng với chính sách hợp lý, tính đến nay, sau gần 5 năm phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, huyện Phụng Hiệp đã có nhiều diện tích đất mía kém hiệu quả chuyển sang các loại cây trồng khác, trong số đó có nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, ngoài cây mía và cây lúa, hiện nay trên địa bàn huyện còn xuất hiện nhiều loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 900 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Ông Nguyễn Văn Lẫy, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết số 04 của Huyện ủy. Qua đó, tập trung vận động người dân chuyển đổi một số diện tích mía ngoài vùng đê bao kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao, như: Mãng cầu, chanh không hạt, xoài, hạnh… áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để từng bước phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh.
Song song với việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng, thời gian qua huyện Phụng Hiệp còn tập trung giải quyết vấn đề đầu ra của nông sản thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất với người nông dân. Tính đến nay, huyện đã kêu gọi được gần 10 công ty, doanh nghiệp tham gia bao tiêu 6 loại nông sản của huyện là: Mía, lúa, chanh không hạt, khóm MD2, mãng cầu xiêm và dưa lưới. Thông qua liên kết bao tiêu không chỉ giảm thiểu rủi ro do giá cả thị trường tác động, còn góp phần nâng thu nhập từ 20-30% so với hình thức bán như trước đây.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp để thích nghi với các điều kiện trước mắt cũng như lâu dài nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhất là tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới các hình thức liên kết hợp tác, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đối với Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến năm 2020 (Đề án 1000), ngay từ khi triển khai đề án, người dân đồng thuận cao và tích cực đăng ký thực hiện. Tổng số hộ dân đăng ký thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 2.492 hộ/1.953ha cho 3 hợp phần cây trồng và chuyển đổi lúa 3 vụ sang trồng màu và nuôi thủy sản; hợp phần 4 chuyển đổi chăn nuôi có 1.281 hộ.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Mặc dù một số mô hình có gặp khó khăn về đầu ra do ít doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, nhưng nhìn chung từng mô hình đều cho hiệu quả kinh tế và đạt mục tiêu của đề án là nâng cao mức thu nhập của các mô hình chuyển đổi trong đề án tăng từ 1,5-2 lần so với hiện trạng, từ đó góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập của hộ dân trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Nhất là tình hình kinh tế của các hộ tham gia đề án được cải thiện đáng kể. Vì tất cả hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật và một phần lãi suất khi tham gia đề án, góp phần phát triển nông hộ đạt hiệu quả hơn. Đặc biệt là hình thành được những vùng chuyên canh, tập trung sản xuất hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt, thúc đẩy tiêu thụ nông sản thuận lợi, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trong từng hợp phần của đề án; nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Châu khẳng định: Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các đề án về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm, từ đó ngày càng nâng cao hiệu quả sản xuất và nguồn thu nhập cho người dân.
Tới đây, các ngành, địa phương tiến hành kêu gọi và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Thông qua việc xây dựng các mô hình sản xuất kiểu mẫu, từng bước mở rộng các vùng sản xuất để cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp. Nhất là, thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
H.THU - D.KHÁNH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)