Sau thời gian bị khai thác quá mức cùng với đó là sự bùng nổ của nghề trồng lúa khiến sản lượng tôm càng xanh tự nhiên ngày một ít đi và cũng như một số đối tượng thủy sản có giá trị khác, con tôm càng xanh bắt đầu được đưa vào nuôi trồng và phát triển dần cho đến ngày nay. Từ việc chỉ nuôi quảng canh trên ruộng lúa là chính, con tôm càng xanh bắt đầu được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến với nguồn con giống toàn đực.
Dẫn chứng cho tính hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, ông Võ Văn Hoa, ở xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên), một trong những hộ tiên phong trong mô hình nuôi tôm càng xanh cho rằng, tuy lợi nhuận từ con tôm càng xanh không bằng tôm sú hay tôm thẻ, nhưng ít rủi ro và giúp mình luôn nói không với thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cũng nhờ vậy mà khi chuyển sang làm lúa hữu cơ ngay vụ đầu tiên đã đạt được chứng nhận quốc tế.
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh được nhiều nông dân huyện Mỹ Xuyên thực hiện mang lại hiệu quả cao.
Không nói đâu xa, ở vụ tôm càng xanh xen canh trên ruộng lúa năm 2018, hầu hết người nuôi tôm càng xanh ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đều có được niềm vui trúng mùa, trúng giá, khi có thời điểm giá tôm càng xanh loại I lên đến 230.000 đồng/kg. Theo các hộ nuôi, dù năng suất tôm càng xanh chưa cao, nhưng con tôm càng xanh là một trong những đối tượng nuôi có hiệu quả cao khi được nuôi xen canh với cây lúa giúp tăng thêm lợi nhuận cho nông dân so với chỉ đơn thuần trồng lúa.
Theo ước tính, nếu thả nuôi tôm càng xanh toàn đực trên diện tích 1ha, người nuôi có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng sau mỗi vụ nuôi. Đây cũng được xem là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng cho đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Sóc Trăng nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt vì con tôm càng xanh có thể sống và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 24 - 34oC và độ mặn từ 0 – 15 phần ngàn. Thậm chí, các kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II và Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ còn cho thấy, ở độ mặn 5, 10, 15 phần ngàn, tôm càng xanh phát triển tốt hơn và có chất lượng ngon hơn so với ở độ mặn 0 phần ngàn.
Thu hoạch tôm càng xanh.
Với tính hiệu quả và điều kiện nuôi thuận lợi, nhưng việc phát triển nghề nuôi tôm càng xanh ở đồng bằng sông Cửu Long đến nay được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của các mô hình nuôi tôm càng xanh đó là: thiếu hụt nguồn giống tôm toàn đực có chất lượng cao, thời gian nuôi kéo dài, mật độ thả nuôi thấp (dẫn đến năng suất, sản lượng không cao) và đặc biệt là thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa nên giá bán thường bấp bênh. Chính từ những rào cản trên, nên diện tích, sản lượng tôm càng xanh ở đồng bằng sông Cửu Long đến nay vẫn còn thấp so với một số đối tượng nuôi khác, dù điều kiện nuôi là khá thuận lợi.
Do phần lớn các hình thức nuôi tôm càng xanh chủ yếu là nuôi xen canh theo mô hình tôm – lúa, mật độ thả nuôi chỉ từ 1 - 2 con/m2, nên năng suất bình quân chỉ từ 200 – 500kg/ha, chỉ một số ít diện tích nuôi quảng canh cải tiến bằng con giống toàn đực cho năng suất từ 800 – 1.000kg/ha. Mặt khác, do năng suất còn thấp, quy mô nuôi nhỏ lẻ, rải rác, nên sản lượng tôm càng xanh chưa nhiều, khiến việc tiêu thụ từng lúc, từng nơi vẫn còn khó khăn, giá cả bấp bênh. Một trở ngại khác là nguồn cung con giống toàn đực đảm bảo chất lượng hiện vẫn chưa nhiều khiến cho việc mở rộng diện tích, quy mô thả nuôi gặp khó. Chính vì những hạn chế trên, nên dù tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư là khá cao và ít rủi ro, nghề nuôi tôm càng xanh vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nông dân tham gia.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, tiềm năng phát triển nuôi tôm càng xanh của Việt Nam rất lớn, tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Năm 2018, diện tích nuôi tôm càng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 3,24% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng và theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông nông quốc gia, diện tích nuôi tôm càng xanh có thể tăng lên gấp 3 lần trong thời gian tới nhờ các lợi thế: tính thích nghi cao, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật không quá khó và mang lại hiệu quả cao gấp 3 - 5 lần so với chỉ độc canh cây lúa.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển nuôi tôm càng xanh được đề ra trong kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 là rà soát quy hoạch và đầu tư cải thiện hạ tầng vùng nuôi tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất giống đảm bảo chất lượng và số lượng (2 - 3 tỉ con giống năm 2025). Mặt khác, để mô hình nuôi tôm càng xanh mang lại hiệu quả cao hơn cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất.
Tích Chu - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)