Bắt đầu nuôi côn trùng từ năm 2004, đến nay chị Xuân đã sở hữu 2 trang trại với quy mô khá lớn và quy củ. Trong đó, một trang trại rộng hàng trăm m2 ở Nam Định và một trang trại mini được chị thiết kế ngay trên sân thượng nhà 3 tầng ở Hà Nội. Ngoài 3 loại: tắc kè, dế mèn, bọ cạp, cơ sở chị Xuân còn cung cấp cả: ve sầu, bọ xít, sâu… làm thức ăn cho chim và cá cảnh.Trung bình một tháng, hai trang trại này xuất ra thị trường khoảng 10 tấn côn trùng, trong đó có cả các thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Myanmar...
Tại trang trại côn trùng ở Tam Trinh (Hà Nội), tuy diện tích chưa đến 100m2 nhưng lại được chị Xuân nuôi gần 100 thùng dế, và khoảng 1.000 con tắc kè.
Cách đây hơn 10 năm, một lần tình cờ xem ti vi thấy mô hình nuôi côn trùng ở miền Nam khá độc đáo, ngay lập tức chị Xuân gọi điện hỏi xin kinh nghiệm và mày mò mở trang trại nuôi. Với số vốn ban đầu khoảng 3 triệu đồng, chị Xuân đầu tư mua dế, tắc kè và bọ cạp về nuôi thử nghiệm. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên côn trùng nuôi chết hàng loạt do dịch bệnh, không nản chí chị Xuân mày mò tìm thông tin qua sách vở và hỏi ý kiến các chuyên gia. Cứ thế, số lượng và quy mô nuôi côn trùng được chị tăng dần trong nhiều năm.
Chị Xuân cho hay nuôi côn trùng không khó nhưng phải nắm rõ được đặc tính của từng loài để có cách chăm sóc, thiết kế chuồng trại cho phù hợp. Trong đó, dế vừa được chị Xuân nuôi làm thức ăn cho bọ cạp, tắc kè vừa làm thương phẩm xuất ra thị trường.
Tắc kè được nuôi trong các lồng chứa các ô gỗ nhỏ, bên trong có các cây xanh để tạo không gian thoáng đãng đồng thời làm nơi trú ẩn.
Vào mùa nóng các loại côn trùng dễ sinh trưởng và phát triển nhưng vào mùa lạnh chuồng trại phải luôn được giữ ấm, đảm bảo nhiệt độ phù hợp đặc biệt là tắc kè. "Khí hậu miền Bắc lạnh kéo dài nếu không có biện pháp giữ ấm, côn trùng dễ mắc bệnh, chết đồng loạt. Vì thế, chuồng trại phải được làm ở nơi kín gió, cao ráo và luôn phải đảm bảo nhiệt độ trong giới hạn cho phép", chị Xuân chia sẻ.
Trứng tắc kè bám khắp các ô gỗ, tỷ lệ trứng nở thành công khá cao, cứ khoảng 100 trứng nở được khoảng 90 con. Chị Xuân cho hay, trung bình, tắc kè nặng khoảng 50 – 80 gram sẽ được xuất bán ra thị trường. Hiện nay, tắc kè được sử dụng làm thuốc Đông Y và chế biến các món ăn đặc sản trong các nhà hàng, khách sạn nên rất được ưa chuộng.
Bọ cạp là loài dễ nuôi, thức ăn không quá tốn chủ yếu là dế, sâu và các loại côn trùng nhỏ. Theo chị Xuân, từ lúc thả con giống đến lúc xuất chuồng chỉ khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, việc thiết kế chuồng trại phải đặc biệt chú ý. Trong đó, ban đầu nên nuôi bọ cạp trong các gốc tre, vỏ dừa để tránh ẩm mốc, vào mùa đông cần phải chú ý giữ ấm trong chuồng trại.
Các loại côn trùng sau khi được sơ chế sẽ được đóng túi, xuất ra thị trường. Với giá bán thành phẩm dao động khoảng 140 – 160.000 đồng/kg dế, tắc kè 60 – 100.000 đồng/kg; 150 – 250.000 đồng/kg bọ cạp… trừ chi phí chăm sóc, chăn nuôi, mỗi tháng cơ sở chị Xuân cũng thu lãi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Các loại côn trùng được bảo quản đông lạnh trước khi đưa ra thị trường.
Hiện nay trang trại nuôi côn trùng của chị Xuân có 20 thợ lao động chính. Ngoài bán côn trùng thành phẩm, chị còn chuyển giao kỹ thuật và đứng ra làm đầu mối, bao tiêu cho bà con trên khắp cả nước. Đến nay, không chỉ tạo công ăn việc làm cho mọi người, trang trại nuôi côn trùng của chị Xuân còn đem lại nguồn doanh thu ổn định lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)