Tìm hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ hai, 23 Tháng 3 2020 11:33 (GMT+7)
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp; hạn, mặn gay gắt, giá cả một số mặt hàng nông sản bấp bênh sẽ tác động mạnh đến giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Vì vậy, tìm giải pháp để phát triển bền vững nông nghiệp là một hướng đi cần thiết.
Lúa là cây trồng chủ lực trong tỉnh, sản lượng hàng năm trên 1,2 triệu tấn.
 
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất
 
Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững, đổi mới giống cây trồng, phát triển có chọn lọc các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, một số loại cây ăn trái có thế mạnh, phù hợp với thị trường, phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên để trồng các loại cây ăn trái như khóm, cam, quýt, chanh không hạt, bưởi, xoài, mãng cầu xiêm, mít...
 
Bên cạnh đó, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết. Khuyến khích chuyển đổi đất lúa, mía kém hiệu quả sang cây trồng khác và nuôi thủy sản, chuyển đổi chăn nuôi từ heo sang loại khác như gia cầm, dê, đại gia súc, các loài đặc sản... Tăng sản xuất lúa gạo theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa tình trạng cung cấp hàng giả, hàng kém chất lượng,… góp phần nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, sản xuất nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhiều diện tích cây trồng chuyển đổi phù hợp mang lại hiệu quả cao.
 
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết: Do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp nên ngành sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, vệ sinh an toàn dịch bệnh gắn với thị trường. Tập trung công tác quản lý giống vật nuôi, quản lý chặt chẽ việc tái đàn, kiểm soát yếu tố giống, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng con giống, hiệu quả chăn nuôi. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn. Phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống, mở rộng chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; tiếp tục phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trọng tâm là dịch tả heo châu Phi. Tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm… Đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và giám sát tồn dư hóa chất, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh...
 
Ông Lê Văn Công, ở ấp 9, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, cho biết do giáp ranh với huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nên vùng đất này dễ bị mặn xâm nhập nên gia đình đã chuyển đổi sang trồng màu hơn 5 năm nay. So với sản xuất lúa thì trồng màu lợi nhuận cao gấp 2-3 lần. Thời gian qua, địa phương đã đầu tư các cống, đập ngăn không cho nước mặn tràn vào nên canh tác khá hiệu quả. Việc chuyển sang trồng màu bên cạnh thực hiện theo chủ trương của xã còn tạo cho gia đình nâng cao thu nhập. Nếu như trước đây, nông dân thường chỉ canh tác 2 vụ lúa còn mùa hạn này thì để đất trống vì thiếu nước, nhưng khi chuyển sang màu sẽ trồng được quanh năm, từ đó mà cuộc sống gia đình cũng khá hơn.
 
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất thì ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh còn có định hướng phát triển đồng bộ, toàn diện các vùng, khu vực nuôi thủy sản phù hợp, các vùng nuôi thâm canh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Phát triển nuôi quảng canh tiên tiến, nhân rộng các mô hình kết hợp lúa - thủy sản để nâng cao giá trị, nuôi kết hợp tôm - cá và các đối tượng khác hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu. Áp dụng các quy trình nuôi tiêu chuẩn vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là tổ chức lại sản xuất cá tra, cá thát lát, cá rô đồng… theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất.
 
Tổ chức sản xuất theo hướng tập trung
 
Ông Hà Minh Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho biết chỉ có sản xuất tập trung theo mô hình cánh đồng lớn thì mới giảm được giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đặc biệt là thuận lợi trong khâu liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng hơn. Khi làm mô hình cánh đồng lớn thì việc áp dụng cơ giới hóa sẽ đồng bộ, từ đó giảm được công lao động, tăng nguồn lợi nhuận.
 
Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết tới đây sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ. Phát triển các vùng sản xuất hàng hóa với sản phẩm chủ lực. Rà soát xây dựng và cung cấp các thông tin về mã số vùng trồng, diện tích và địa điểm; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, hạn chế tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất. Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Duy trì xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các địa phương theo chuỗi liên kết. Đẩy mạnh kêu gọi và kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông - lâm - thủy sản thông qua các biện pháp quản lý theo chuỗi sản xuất nguyên liệu đến chế biến, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
 
Ông Thiều Văn Hải, ở xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhờ có liên kết sản xuất mà vụ lúa Đông xuân vừa qua người dân ở địa phương tiêu thụ rất thuận lợi. Giá bán theo thị trường, không bị ùn ứ. Hầu hết người dân ở đây đều sử dụng các giống lúa chất lượng cao khi gieo sạ nên hạt gạo đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Người dân bây giờ cũng đã thay đổi tập quán sản xuất từ sạ dày sang sạ hàng, cấy máy nên giảm rất nhiều chi phí, ít sâu bệnh, mang lại nguồn lợi nhuận cao hơn”.
 
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho biết sẽ đổi mới và nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, HTX tham gia đầu tư, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các vùng lúa chất lượng cao, vùng nguyên liệu mía, cây ăn quả, rau màu. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân, HTX thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở triển khai thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho nông dân...
 
Theo kế hoạch, diện tích gieo trồng lúa cả năm nay là 192.200ha (trong đó vụ Đông xuân 77.200ha, Hè thu 76.700ha, Thu đông 38.500ha). Năng suất 6,5 tấn/ha; sản lượng ổn định 1,2 triệu tấn. Tiếp tục chuyển dịch diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chữ đường cao... Theo đó, diện tích mía trồng trong năm nay khoảng 5.800ha, sản lượng 580.000 tấn. Diện tích cây ăn trái 41.500ha, trong đó cây có múi 13.000ha, khóm 2.500ha, cây ăn trái khác là 26.000ha; sản lượng 400.000 tấn. Rau màu trồng với diện tích 21.500ha, sản lượng 280.000 tấn...
Bài, ảnh: HOÀI THU - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản