Mới vào đầu vụ trồng nhưng vùng mía Hậu Giang tiếp tục gặp không ít trở ngại.
Bất cập diện tích mía
Đây là vấn đề không mới vì đã xảy ra từ vụ mía trước nhưng đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa ngành nông nghiệp tỉnh và Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco). Theo lãnh đạo Casuco, trong vụ thu hoạch mía vừa qua, với việc ngành nông nghiệp tỉnh báo cáo diện tích mía của toàn tỉnh ở mức khá cao (hơn 8.147ha), trong khi thực tế sản xuất của công ty thì không đạt như vậy, từ đó đã phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Ông Trần Vĩnh Chung, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết: Kết thúc vụ ép 2019-2020, toàn công ty chỉ ép được sản lượng khoảng 206.000 tấn mía tại các vùng nguyên liệu của Casuco ở toàn vùng ĐBSCL, giảm 400.000 tấn theo dự kiến ban đầu. Riêng vùng nguyên liệu tại Hậu Giang (kể cả diện tích mía ngoài phân bổ của tỉnh cho Casuco), sản lượng mía đạt chưa đến 160.000 tấn. Với năng suất mía bình quân theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh là 95 tấn/ha thì sản lượng trên tương đương diện tích khoảng 1.600ha mía. Nếu cộng thêm diện tích mía bà con đã bán mía chục hơn 1.000ha thì tính chung lại diện tích mía đã xuống giống thực tế của tỉnh trong vụ qua chỉ đạt hơn 3.000ha. Do diện tích mía ít nên trước khi nghỉ Tết Nguyên đán (cuối tháng 1-2020), Casuco đã tiêu thụ hết mía cho nông dân Hậu Giang sau gần 4 tháng vào vụ ép (chỉ có một Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động), trong khi mọi năm phải kéo dài đến cuối tháng 4.
Cũng theo đánh giá của ông Chung, sản lượng mía trong vụ thu hoạch vừa qua giảm một phần là do diện tích giảm, phần còn lại là năng suất thấp. Nguyên nhân là trong những năm gần đây do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, giá đường ở mức thấp nên kéo theo giá thu mua mía cho nông dân không cao, từ đó dẫn đến nguồn lợi nhuận từ cây mía thấp. Vì vậy, bà con đã hạn chế chăm sóc nên dẫn đến năng suất không đạt theo yêu cầu.
Vấn đề bất cập về diện tích mía giữa nhà máy đường và ngành nông nghiệp tỉnh không chỉ dừng lại ở vụ mía rồi mà sang niên vụ sản xuất này câu chuyện cũ tiếp tục tái diễn và luôn gây sự tranh cãi vì mỗi bên đều có cái lý riêng. Cụ thể, qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 6.000ha mía cho niên vụ 2019-2020. Thế nhưng, cán bộ Casuco thì thông báo diện tích sau khi đi đo thực tế để tiến hành ký hợp đồng bao tiêu với nông dân thì chỉ có gần 2.000ha. Theo trình bày của hai bên thì nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch về số liệu như trên là do cách tính khác nhau. Cụ thể, diện tích mía do ngành nông nghiệp tỉnh công bố là được tính luôn cả mương liếp, còn Casuco thì trừ mương liếp ra, chỉ tính phần đất đặt.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thông tin: Về lĩnh vực quản lý nhà nước thì phải tính chung cả diện tích đất mương, đất liếp của nông dân và việc làm này đã được thống nhất với Cục Thống kê từ trước đến nay trong phần đánh giá chung về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của ngành. Còn đối với Casuco, đơn vị này chỉ tính phần đất liếp là nhằm phục vụ kế hoạch sản xuất riêng của công ty. Do đó, tới đây ngoài báo cáo diện tích chung thì đơn vị sẽ chia làm hai cột, trong đó một bên là diện tích đất đặt và phần còn lại là đất mương theo tỷ lệ 60% đất có trồng mía, 40% là mương liếp.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Để có sự thống nhất về mặt số liệu nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn của ngành và kế hoạch sản xuất của Casuco đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp Hậu Giang sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành từ tỉnh đến xã phối hợp chặt với công ty trong việc rà soát, thống kê diện tích mía cụ thể trên địa bàn tỉnh, từ đó có một con số chung nhất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, về mặt không khớp số liệu chưa phải là vấn đề lớn hiện nay tại vùng mía của tỉnh, mà việc công ty làm thế nào để giúp nông dân an tâm gắn bó với cây mía mới là quan trọng, nhất là xem xét có những chính sách đột phá hơn, còn kế hoạch thu mua cho niên vụ tới đây thì vẫn chưa tạo sự an tâm và còn nhiều vấn đề phải bàn.
Chính sách bao tiêu chưa hấp dẫn
Như nhận định của lãnh đạo Casuco, chính việc giá thu mua mía thấp, nông dân sản xuất không có nguồn lợi nhuận cao, thậm chí bị thua lỗ và kéo dài liên tục trong nhiều vụ vừa qua đã khiến bà con không còn mặn mà với cây mía nên quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, với diện tích mía đã xuống giống hiện tại của toàn tỉnh là gần 6.000ha (theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh) thì đã giảm hơn 2.000ha so với cùng kỳ. Những nông dân còn bám trụ với cây mía trong vụ sản xuất này đang đặt ra nhiều kỳ vọng từ nhà máy đường là có những chính sách hỗ trợ đột phá để giúp bà con an tâm sản xuất, nhất là về giá bao tiêu. Thế nhưng, những chia sẻ của lãnh đạo Casuco về kế hoạch và những chính sách đầu tư, hỗ trợ mà công ty đề ra cho nông dân vùng mía của tỉnh vẫn chưa thật sự hấp dẫn.
Ông Trần Vĩnh Chung, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho biết thêm: Vụ sản xuất mía năm nay, Casuco sẽ hỗ trợ không hoàn vốn cho nông dân trồng mía là 2,5 triệu đồng/ha khi bà con thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu với Casuco. Về giá bao tiêu, đối với những hộ nhận vốn hỗ trợ thì được công ty ký kết với giá sàn bảo hiểm là 770 đồng/kg (mía 10 chữ đường cân tại rẫy), trường hợp nông dân có hợp đồng mà không nhận tiền hỗ trợ thì mức giá bao tiêu là 800 đồng/kg (mía 10 chữ đường cân tại rẫy). Tính đến ngày 24-2 vừa qua, Casuco mới ký hợp đồng bao tiêu với người dân trồng mía trong tỉnh được gần 1.000ha.
Với giá bao tiêu mới mà Casuco đề ra cho niên vụ mía đang canh tác đã tạo ra không ít lo lắng cho ngành chức năng của tỉnh và các địa phương. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Hiện tại, diện tích mía đã xuống giống trên địa bàn huyện chỉ còn 5.188ha, nếu chỉ tính riêng phần đất đặt thì diện tích còn khoảng 3.112ha, giảm hơn 1.000ha so với cùng kỳ. Với việc giá thành sản xuất ở mức cao (bình quân 713 đồng/kg theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh trong vụ mía 2019), trong khi giá bao tiêu được Casuco đưa ra cho công tác thu mua ở năm 2020 này thì chưa thật sự hấp dẫn với bà con. Do đó, nhiều khả năng nông dân không mạnh dạn đầu tư vì sợ thua lỗ nên sản lượng mía sẽ không đạt yêu cầu.
Cùng nỗi băn khoăn, ông Nguyễn Thống Nhất, Phó phòng Kinh tế thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: Nếu mức giá 800 đồng/kg thì người trồng mía chỉ từ huề đến lỗ vốn chứ không có lời trước giá cả vật tư luôn leo thang. Vì vậy, địa phương mong Casuco xem xét nâng mức giá thu mua cao hơn để tạo động lực cho nông dân sản xuất. Mặt khác, cũng kiến nghị Casuco tính toán lại việc chi trả tiền mua mía sớm hơn cho bà con so với vụ rồi, trong đó tốt nhất là cân mía xong là trả tiền liền như nhiều thương lái đã làm trước đây.
Dù mới vào đầu vụ sản xuất, thế nhưng vùng mía của tỉnh tiếp tục đặt ra không ít những vấn đề gây khó khăn cho ngành chức năng và người dân. Do đó, để giữ ổn định diện tích mía còn lại, đảm bảo cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy đường hoạt động và tồn tại, thiết nghĩ ngành chức năng và doanh nghiệp cần có những chính sách đột phá hơn. Trong đó, ngoài vấn đề về giá thu mua thì cần tính đến các giải pháp về đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: đưa cơ giới hóa vào canh tác và thu hoạch, nghiên cứu và nhân rộng những giống mía mới chất lượng để thay thế giống mía lâu đời nhằm giảm giá thành sản xuất, hạn chế phụ thuộc vào giá bao tiêu mà người trồng mía vẫn có nguồn lợi nhuận...
Theo lãnh đạo Casuco, để đảm bảo nguồn mía nguyên liệu cho hai nhà máy đường của công ty hoạt động (Xí nghiệp đường Vị Thanh và Nhà máy đường Phụng Hiệp) thì Casuco cần diện tích mía nguyên liệu khoảng 9.000ha, với năng suất mía từ 80-90 tấn/ha, sản lượng thu về khoảng 700.000 tấn mía.
|
Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)