Bài 2: Cần lộ trình vững bền
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú ở Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: VŨ SINH (TTXVN)
Không dễ nhân rộng mô hình
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh thật sự mang lại hiệu quả cao, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề dễ dàng do những đòi hỏi khắt khe về khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư, xử lý chất thải... Riêng về vốn, để thực hiện mô hình này, người dân phải đầu tư khoảng 700 triệu đồng/ha nên không phải ai cũng có điều kiện làm. Hiện nay, trong các chính sách phát triển nông nghiệp có những quy định ưu tiên cho vay vốn nhưng riêng với nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, các ngân hàng thường rất ngại cho vay. Ông Lê Hoàng Kiếm, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình (Cà Mau) hiện đang nuôi tôm quảng canh cho biết: Dù rất muốn chuyển sang mô hình nuôi thâm canh và siêu thâm canh nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng không thể đủ để người nuôi tôm đầu tư bài bản. Trong khi đó, sản xuất tôm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu; tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, chưa có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả. Nếu cứ làm theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ sẽ rất nguy hiểm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội, mặc dù nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với các hình thức nuôi khác, nhưng nhiều người nuôi tôm chưa có ý thức coi trọng việc bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra, khảo sát thực tế tại nhiều vùng nuôi cho thấy, các hộ nuôi chưa tuân thủ tốt những quy định về bảo vệ môi trường, trong đó, việc bố trí hệ thống xử lý, chất thải, nước thải chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Đáng chú ý, một khâu hết sức quan trọng trong chuỗi hình thành giá trị tôm là chế biến lại đang mất cân đối, khập khiễng. Tại khu vực ĐBSCL, ngoài Cà Mau có 30 doanh nghiệp với 32 nhà máy chế biến xuất khẩu tôm, công suất 250 nghìn tấn tôm nguyên liệu/năm và Bạc Liêu có khoảng 10 nhà máy chế biến tôm thì ở các địa phương khác khâu chế biến tôm đều chưa phát triển. Thí dụ như Bến Tre có 13 nhà máy chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu với công suất thiết kế 150 nghìn tấn/năm nhưng chủ yếu chế biến các sản phẩm từ cá tra, nghêu mà chưa có nhà máy chế biến tôm. Gần như toàn bộ sản lượng tôm thu hoạch phải chở sang Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu để chế biến. Do chưa có nhà máy chế biến tôm cho nên người nuôi chủ yếu bán cho thương lái vận chuyển đến các nhà máy trong khu vực để tiêu thụ hoặc bán ở các chợ. Vì thế, giá tôm nguyên liệu thấp hơn một số vùng trong khu vực, không đủ bù đắp chi phí cao cho hình thức nuôi công nghệ cao…
Theo thống kê của các địa phương, việc chuyển đổi từ các mô hình nuôi trồng cũ sang nuôi tôm siêu thâm canh hiện mới chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Tại Cà Mau có 280 nghìn ha nuôi tôm thì mới có khoảng 9.500 ha nuôi siêu thâm canh, Bạc Liêu có gần 130 nghìn ha thì mới có khoảng 8.000 ha và Bến Tre có 35 nghìn ha thì mới có 11.500 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh.
Cần những giải pháp trước mắt và lâu dài
Để mở rộng mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài. Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Nguyễn Văn Đô cho rằng: Ngoài các tác động khách quan, ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm khu vực ĐBSCL muốn đi nhanh và vững chắc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong nội tại. Thí dụ như tại Cà Mau, quy hoạch phát triển ngành tôm chưa được phê duyệt, phát triển còn mang tính tự phát, nhiều dự án nuôi tập trung quy mô lớn đã được đưa vào quy hoạch nhưng do thiếu nguồn vốn nên chậm được triển khai; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, chủ yếu do thiếu cơ chế phù hợp, chưa hợp lý trong phân chia lợi ích và nhìn chung nông hộ chưa quan tâm, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và thúc đẩy các hình thức liên kết phát triển.
Theo Phó Chi cục trưởng Thủy sản Cà Mau Nguyễn Văn Trung, trước hết phải rà soát và quy hoạch lại ngành tôm để thích ứng biến đổi khí hậu, thí điểm áp dụng việc tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất tập trung; chú trọng phát triển những mô hình nuôi có ưu thế hiện nay. Tại Cà Mau, trong số các mô hình tôm - lúa (tôm hữu cơ); mô hình tôm - rừng (tôm sinh thái); mô hình ứng dụng công nghệ cao (siêu thâm canh); mô hình nuôi quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp (tôm và các giống khác như cua, cá, sò huyết…), tỉnh xác định để phát triển bền vững sẽ lấy loại hình tôm - rừng, tôm - lúa sinh thái làm bàn đạp nhưng để tăng sản lượng tôm, chính hình thức nuôi siêu thâm canh giữ vai trò quyết định, bởi mô hình nuôi này chỉ chiếm khoảng 3,5% diện tích, với khoảng 9.500 ha nhưng lại dẫn đầu về sản lượng so với các loại hình nuôi khác.
Trước mắt, để phát triển nghề nuôi tôm một cách bền vững, cần đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi nhằm phát triển sản xuất quy mô lớn mà một số địa phương như Bến Tre đã bước đầu thực hiện bằng cách liên kết, hỗ trợ nhau trong việc tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi tôm, chú trọng đến nuôi tôm hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi tôm có trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc để vượt qua các rào cản của những thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức hợp tác các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đáng chú ý, ĐBSCL là khu vực đi đầu trong cả nước về nuôi trồng và chế biến tôm, do vậy phải xây dựng được những thương hiệu tôm mang tầm vóc khu vực và quốc gia trong thời gian tới. Việc xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam được xác định là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa các giải pháp thực hiện kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từng bước định vị, khẳng định vị thế về chất lượng, uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Tổng cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân, trong điều kiện thực tế của ĐBSCL hiện nay, cần tính toán, cân nhắc kỹ trong việc nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, bởi mô hình này hiệu quả cao, nhưng đòi hỏi những điều kiện khắt khe về kỹ thuật, vốn đầu tư lớn và lượng chất thải cũng lớn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, trước mắt chỉ nên phát triển mô hình này ở những nơi có đủ điều kiện và gắn với những cơ sở nuôi có đầy đủ điều kiện về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, đồng thời phải gắn với cơ sở chế biến, xuất khẩu...
TÂM TÙNG VÀ TRUNG TUẤN - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)