Nuôi yến từ thành thị đến nông thôn, bài 2: Nhiều bất cập trong công tác quản lý

Thứ tư, 15 Tháng 4 2020 07:25 (GMT+7)
Hoạt động dẫn dụ chim yến bỗng rầm rộ trong một vài năm gần đây, do sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và thu nhập cao nhưng hoạt động này chưa có những quy định cụ thể, dẫn đến nhiều phiền toái và lo lắng cho môi trường sống của dân cư xung quanh nhà dẫn dụ yến.
Một nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.
Một nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân.
 
Phát triển tự phát
 
Dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến được Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là có tiềm năng và triển vọng phát triển ở nước ta nhờ lợi thế về tự nhiên và nguồn thức ăn dồi dào cho chim yến là côn trùng. Nghề này cho ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và thu nhập cao, giá bán tổ yến thô dao động từ 25 - 30 triệu đồng/kg. Nhà chị N.N.T ngụ TP. Bến Tre vừa có thông báo lọt vào khu quy hoạch đô thị, chị T. không sợ mất nhà, mất vườn mà chỉ lo mất cái nhà dẫn dụ yến. “Mình quý cái nhà yến lắm, nhờ nó mà ba mẹ mình, cả ba mẹ chồng và các con có tổ yến để bồi dưỡng sức khỏe, còn dư thì bán cũng được giá. Ai cũng nói mình may mắn vì có được lộc trời cho”, chị T. tâm sự.
 
Theo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại là một hoạt động sản xuất đã xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, nghề này đã phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Tháng 9-2019, Cục Chăn nuôi cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có số lượng nhà yến nhiều nhất cả nước (cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi yến với tổng số hơn 8.300 nhà yến).
 
Tại Bến Tre, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 255 cơ sở nuôi chim yến, trong đó nhiều nhất là huyện Ba Tri, với 110 cơ sở, Giồng Trôm 44 cơ sở, Thạnh Phú 30 cơ sở, Bình Đại 20 cơ sở, Châu Thành 18 cơ sở, Mỏ Cày Nam 9 cơ sở, Mỏ Cày Bắc 8 cơ sở và TP. Bến Tre ít nhất với 7 cơ sở.
 
Số cơ sở nuôi chim yến có đăng ký tham gia sản xuất yến sào theo chuỗi là 37 cơ sở. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở nuôi chim yến đang hoạt động. Đồng thời, vận động các cơ sở nuôi chim yến đăng ký tham gia sản xuất yến sào theo chuỗi và gửi danh sách về sở để phối hợp theo dõi quản lý.
 
Khó khăn trong quản lý
 
Nghề nuôi chim yến phát triển nhanh, trong khi thiếu các hướng dẫn và quy định về mặt kỹ thuật, còn các văn bản của Trung ương và của tỉnh đều mang tính tạm thời (Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT và Công văn số 4566/UBND-KT), còn kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về nuôi chim yến.
 
Những tồn tại lớn nhất hiện nay được đánh giá là về công tác quy hoạch, hiện chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến. Việc này rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác quy hoạch. Thực trạng cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (theo Cục Chăn nuôi là trên 90% trong tổng số nhà yến mà cục này thống kê) hoặc nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân là khá phổ biến.
 
Hiện kỹ thuật nuôi chim yến được cho là còn hạn chế khi nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hàng tỷ đồng mà vẫn không dẫn dụ được chim yến hoặc dẫn dụ được chim yến vào rồi lại bỏ đi. Vấn đề quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh còn hạn chế. Chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao, nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác khi có dịch cúm gia cầm xảy ra.
 
Mặc dù nuôi chim yến đã trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương, nhưng đối tượng nuôi này chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008) và chưa có một định hướng phát triển dài hạn. Nghề nuôi chim yến hiện vẫn chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng. Việc mua bán sản phẩm tổ yến vẫn chưa có thị trường ổn định, cũng như chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.
 
Điều đáng quan ngại nhất trong thời điểm này là kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát. Do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.
 
Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi đã ban hành, trong đó có quy định các nội dung quản lý hoạt động nuôi chim yến, khi áp dụng sẽ mở ra triển vọng để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Thạch Thảo - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản