Nuôi yến từ thành thị đến nông thôn, bài 3: Cần quy định vùng nuôi chim yến

Thứ năm, 16 Tháng 4 2020 10:28 (GMT+7)
Để giải quyết những bất cập tồn tại trong nuôi chim yến, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh quyết định vùng nuôi chim yến. Đây là việc làm cần thiết và căn cơ nhằm đưa việc quản lý nghề nuôi chim yến vào nền nếp.
Xây nhà yến tại xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Thành Lập
Xây nhà yến tại xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Thành Lập
 
Khẩn trương rà soát
 
Luật Chăn nuôi có hiệu lực ngày 1-1-2020, Điều 64 Quản lý nuôi chim yến quy định: Hoạt động nuôi chim yến, bao gồm: dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến. Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
 
Hiện tại, một số tỉnh đang có dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6, không ít người dân tỏ ra lo lắng khi số lượng chim yến bay vòng vo trong khu vực dân cư mình sinh sống (nơi có nhà yến). Hay như cô N.T.X, ngụ xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre sống gần bên một nhà yến nói: “Âm thanh dẫn dụ yến phát từ sáng tới chiều mà mình phải ráng chịu đựng, chứ bứng cái nhà mình đi đâu. Về dịch bệnh cúm gia cầm thì nghe cũng lo nhưng biết làm sao được”.
 
Việc UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật danh sách các cơ sở chăn nuôi chim yến đang hoạt động là quan trọng trong thời điểm hiện nay. Bởi căn cứ vào Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi (ban hành ngày 21-1-2020), UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh quyết định vùng nuôi chim yến. Được biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ soạn thảo, tham mưu UBND tỉnh về vùng nuôi chim yến.
 
Thông tin đáng quan tâm cho người dân có nhà yến, tại Điều 25 Nghị định  số 13/2020/NĐ-CP quy định: Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại Điểm a Khoản 1 điều này (vùng nuôi chim yến do HĐND tỉnh quyết định) thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới.
 
Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng không đáp ứng quy định tại Điểm a Khoản 1 điều này, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
 
Với những quy định trên, việc dẫn dụ chim yến tại TP. Bến Tre và các thị trấn, thị tứ, khu dân cư có thể phải ngưng loa phóng thanh dẫn dụ chim yến hoặc buộc giữ nguyên hiện trạng, không được phát triển thêm đối với các nhà yến đã hình thành, đồng thời phải chấp hành các quy định về kỹ thuật. Còn đối với những nhà yến chuẩn bị xây mới thì bắt buộc phải theo quy định về vùng nuôi.
 
Ý kiến người trong cuộc
 
Việc các nhà yến phóng phát âm thanh dẫn dụ yến quá lớn khiến người dân bị đảo lộn sinh hoạt. Trao đổi về vấn đề này, anh Phan Xích Bảo Khang, người có 10 năm kinh nghiệm trong nghề dẫn dụ chim yến tại phường Phú Khương, TP. Bến Tre cho biết: “Theo tập tính chim yến và theo quy định của Nhà nước, âm lượng bên ngoài mở không vượt quá 70dBA (đề-xi-ben A). Những nhà mở âm thanh to là sai, do không tìm hiểu kỹ về tập tính của chim yến vì con chim yến gần sẽ gọi yến ở xa, âm thanh mở to không có tác dụng mà chỉ gây phiền”.
 
Theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA (đề-xi-ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 - 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút - 19 giờ mỗi ngày, trừ trường hợp nhà yến cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
 
Anh Phan Xích Bảo Khang cho rằng, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại thích hợp phát triển các nhà dẫn dụ yến vì hội đủ điều kiện cho chim yến sinh sống, như: đây là vùng có thức ăn trù phú cho yến (chim yến chỉ ăn côn trùng bay từ mối cánh nhỏ trở xuống, ruồi giấm, rầy loại nhỏ trên ruộng, những vi sinh trên mặt nước); dân cư thưa thớt ít tác động qua lại giữa người và môi trường dẫn dụ yến.
 
“Yến ăn côn trùng gây hại, góp phần không nhỏ cho việc bảo vệ mùa màng đối với nông nghiệp. Vấn đề dịch bệnh theo tôi nghĩ, loài yến khi rời khỏi nơi ở nó bay suốt không đậu, chúng chỉ bám nơi tổ của nó, yến sinh hoạt và ăn uống trên không trung trong lúc bay lượn, do đó không ảnh hưởng lớn đến con người. Khả năng gây bệnh rất thấp, do ít tiếp đất, bản thân yến và tổ yến lợi nhiều hơn hại” - anh Bảo Khang nói thêm. 
 
“Từ năm 2014 đến nay chưa nghe có trường hợp nào trên toàn quốc báo cáo về dịch cúm trên chim yến. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu giám sát về hai bệnh trên chim yến là cúm gia cầm và bệnh Niu-cát-xơn đối với sản phẩm yến xuất khẩu. Tỉnh cũng có hướng dẫn các nhà yến đăng ký xuất khẩu để giám sát bệnh cúm H5N1 và bệnh Niu-cát-xơn”.
 
(Thạc sĩ Phan Trung Nghĩa - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y)
Thạch Thảo - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản