Người chăn nuôi luôn chủ động áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia cầm trong mùa mưa.
Tiêu độc khử trùng là biện pháp rất hữu hiệu giúp nâng cao hiệu quả phòng bệnh trên gia súc, gia cầm. Nắm rõ được nguyên tắc này, ngoài phương pháp truyền thống là thường xuyên rải vôi bột xử lý chuồng trại, lối ra vào, những hộ nuôi gia cầm còn chủ động nguồn hóa chất benkocid để phun khử khuẩn và rải vôi bột thường xuyên.
Chăn nuôi gà đã nhiều năm nay và xem đây là nguồn thu thường xuyên giúp gia đình khấm khá, chị Võ Kim Xoàn, ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, rất chú trọng khâu phòng bệnh. Bí quyết chăn nuôi thành công của gia đình chị là luôn tuân thủ nghiêm khâu tiêm phòng đúng lịch - đúng liều. Không riêng bệnh cúm gia cầm, các bệnh thông thường khác cũng được tiêm ngừa tạo miễn dịch cho vật nuôi. Chị Xoàn chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi hơn 600 con gà, giống gà nòi đang được thị trường rất ưa chuộng và bán được giá. Do nuôi số lượng nhiều, vừa bán gà thịt, vừa đầu tư máy ấp trứng để bán gà con và chăn nuôi nối tiếp nhiều đợt nên gia đình hết sức cẩn thận với dịch bệnh. Ngoài chuồng trại, 5 lò ấp trứng cũng được vệ sinh kỹ phần lồng, thay trấu mới rồi sử dụng cho đợt sau”.
Thấu hiểu rằng chăn nuôi ngày càng đối mặt nhiều rủi ro dịch bệnh, nhìn chung các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã nâng dần ý thức phòng bệnh để bảo vệ nguồn thu nhập từ đàn gà, vịt. Chị Nguyễn Thị Liên, ở ấp Vĩnh Hiếu, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, cho rằng phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Trước khi bắt đầu mùa mưa, chị Liên che chắn chuồng nuôi kỹ lại. Cách chăn nuôi thành công của gia đình là tiêm phòng đủ bệnh chứ không riêng cúm gia cầm.
“Xem đây là cái nghề để kiếm lời nên gia đình chú ý phòng bệnh cho vật nuôi. Chuyện sát trùng làm thường xuyên bằng vôi bột hoặc hóa chất. Tiêm phòng phải đủ bệnh chứ không riêng cúm gia cầm. Mấy bệnh tụ huyết trùng, dịch tả vịt cũng phải tiêm tạo miễn dịch để tránh gà, vịt nhiễm cùng lúc nhiều thứ bệnh, khó chữa. Thăm nom đàn vật nuôi hàng ngày để phát hiện sớm những biểu hiện bất thường nhằm điều trị kịp thời. Phải chủ động trước khi có bệnh tấn công đàn gà, vịt”, chị Liên chia sẻ bí quyết chăn nuôi thuận lợi của gia đình.
Như vậy, chủ động có nghĩa là áp dụng các biện pháp khi dịch chưa kịp xảy ra. Ngăn chặn mầm bệnh ngoài môi trường đồng thời với việc áp dụng các biện pháp nâng cao sức khỏe vật nuôi, nâng cao sức chống chịu bệnh tật. Khi mầm bệnh còn ở ngoài môi trường, chúng rất dễ bị tiêu diệt bởi các tác động bên ngoài như vệ sinh, khử trùng thường xuyên. Một khi chúng xâm nhập vào cơ thể vật nuôi và gây thành bệnh thì chi phí chữa trị rất tốn kém mà hiệu quả thường không cao.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, trong mùa mưa bão người dân cần chủ động tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn cho gia cầm. Xung quanh cần che chắn tránh mưa tạt gió lùa. Đảm bảo môi trường và nguồn thức ăn, nước uống sạch cho vật nuôi. Gia cầm cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn tận dụng, thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng. Nâng cao sức chống chịu cho vật nuôi là chủ động phòng ngừa rất có hiệu quả sự truyền nhiễm mầm bệnh. Đối với những chuồng nuôi bị ngập cục bộ, cần di dời đàn đến khu vực cao ráo. Sau khi nước rút, dọn vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc, diệt mầm bệnh trong và ngoài chuồng nuôi.
Bài, ảnh: KỲ ANH - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)