Vườn sầu riêng VietGAP của ông Lê Văn Hùng phát triển tốt sau hạn mặn.
Chủ động ứng phó
Gọi là vườn sầu riêng mơ ước cũng không ngoa vì ngay sát bên, chỉ cách vườn ông Út Hùng có một con đường thôi là khu vườn sầu riêng tơ mới được trồng, nhiều vườn gần đó cũng không qua khỏi đợt hạn mặn khốc liệt suốt 6 tháng đầu năm 2020. Vườn sầu riêng Ri6 và Monthong của ông Út Hùng đẹp và sạch thoáng. Các cây được mé đọt, dọn gốc sạch sẽ, hệ thống tưới nước, phun thuốc được trang bị hiện đại.
Nghỉ tay uống trà, vợ chồng ông Hùng kể lại giai đoạn gồng mình ứng phó với mặn. Nắm thông tin diễn biến hạn mặn thường xuyên, ngay từ đầu mùa khô, ông Hùng cùng một số nông dân trồng sầu riêng nghịch vụ đã chủ động “né mặn”, dưỡng cây. Ông tháo hết nước trong mương, kiểm tra thường xuyên, chặn các “lỗ mọi” để tránh nước mặn rò rỉ vào vườn.
Phía trước nhà là rạch Cái Sứt, bình thường bơm nước vào tưới thoải mái, nay độ mặn duy trì 4 - 5%o suốt nên nhà ông Hùng phải kêu sà lan chở nước vào “cấp cứu”. “Bơm cả tàu nước phải tốn chi phí từ 5 - 6 triệu đồng mà đâu có thấm gì. Sầu riêng là cây thân nước, thiếu nước tưới là cháy lá ngay”, ông Hùng kể. Kêu tàu chở nước hết xiết, ông đầu tư dàn máy lọc nước gần 70 triệu đồng, tận dụng, xử lý các nguồn nước hiện có, cùng với nước tích trữ để tưới, giữ cây.
Hiệu quả thấy rõ nhất chính là do sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây đã góp phần giữ cho gốc cây ẩm, tránh mất nước. Ông Lê Văn Hùng là một trong các hộ nông dân trồng sầu riêng nghịch vụ có thâm niên, kinh nghiệm. Vườn nhà ông đã được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP.
Cùng với vườn của ông Lê Văn Hùng, vườn sầu riêng của ông Trần Văn Tùng, ở ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa cũng là một trong các vườn VietGAP vượt qua được đợt hạn mặn khốc liệt. Hiện ông Tùng đã hoàn thành giai đoạn phủ bạt gốc, xử lý ra bông nghịch vụ.
Hợp tác sản xuất để cùng phát triển
Câu lạc bộ (CLB) sầu riêng Chợ Lách thành lập vào tháng 4-2017, tức là sau đợt hạn mặn lịch sử của mùa khô 2016. Những tác động khó lường của biến đổi khí hậu cũng như tình hình khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ đã đặt ra yêu cầu phải gắn kết các thành viên trong CLB lại với nhau. Các thành viên bao gồm nông dân trồng sầu riêng, các chuyên gia về kỹ thuật như kỹ sư Lê Văn Đơn, Tiến sĩ Võ Văn Bình - giảng viên Trường Đại học Tây Đô, kỹ sư Nguyễn Ngọc Trung - Chủ trang trại Gia Trung, huyện Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông...
Số thành viên của CLB từ 25 người, hiện đã tăng lên 106 người, trong đó có cả các thành viên ở các huyện bạn, tỉnh bạn như: Long Hồ, Mang Thít, Hòa Ninh (Vĩnh Long), Ngũ Hiệp, Cai Lậy (Tiền Giang), Gia Nghĩa (Đắk Nông). Có 8 doanh nghiệp vật tư nông nghiệp đồng hành với CLB. Tổng diện tích trồng sầu riêng đạt 96ha, duy trì hoạt động thường xuyên.
Hoạt động của CLB chủ yếu là thông tin thị trường, thời tiết... để định hướng cho sản xuất, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các thành viên, giao lưu với các CLB bạn, tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Hiện có 85% thành viên thực hiện kỹ thuật sản xuất nghịch vụ, trong đó có 42% chọn thời điểm thu hoạch để xử lý theo ý muốn. Hầu hết các thành viên của CLB đều đã đạt chứng nhận VietGAP, đang hướng đến đạt chứng nhận hữu cơ và OCOP cho sản phẩm sầu riêng.
Hơn 80% thành viên nắm bắt được kinh nghiệm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng thành công trong canh tác cây sầu riêng. Cây trồng cho năng suất tăng từ 15 - 20%. Chất lượng và giá trị sản xuất tăng cao do chủ yếu sản xuất nghịch vụ. Đặc biệt, trong mùa hạn mặn vừa qua, hơn 90% diện tích canh tác của các thành viên đều an toàn, trong khi cả huyện có gần 85% diện tích sầu riêng bị thiệt hại.
Ở vai trò vừa là cán bộ ngành nông nghiệp, vừa là thành viên ban cố vấn kỹ thuật, trực tiếp hỗ trợ cho hoạt động của CLB, ông Lê Văn Đơn cho biết: “Phải gắn được mối liên kết giữa thực tiễn, kinh nghiệm với khoa học kỹ thuật. Qua đó, mới có được quy trình hoàn chỉnh cho mọi thành viên, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại trong sản xuất cũng như bất lợi của thời tiết”.
Theo ông Lê Văn Đơn, định hướng tới là thành lập tổ hợp tác và xây dựng hợp tác xã sầu riêng Chợ Lách để tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu và gắn kết với thị trường. Trước mắt, sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất nghịch vụ, tham gia thực hiện mô hình sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, xây dựng hệ thống điểm bán hàng trong và ngoài huyện; phối hợp với doanh nghiệp để hoàn chỉnh phương án cung cấp phân bón hữu cơ và thu mua sản phẩm trái sầu riêng của nông dân.
Kinh nghiệm tích lũy cùng với kiến thức khoa học kỹ thuật mà các nhà vườn tiếp thu được đã mang lại hiệu quả rất lớn. Qua bao khó khăn, người nông dân càng hiểu hơn ích lợi của liên kết, hợp tác sản xuất và ứng dụng khoa học kỹ thuật. Sầu riêng Cái Mơn là nông sản thứ 3 của tỉnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cùng với bưởi da xanh Bến Tre và dừa xiêm xanh Bến Tre.
Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00080 “Cái Mơn” cho sản phẩm sầu riêng của tỉnh Bến Tre. Theo đó, khu vực địa lý có sầu riêng được mang chỉ dẫn địa lý Cái Mơn gồm 11 xã và thị trấn thuộc huyện Chợ Lách; 4 xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Đức, huyện Châu Thành; 4 xã Nhuận Phú Tân, Hưng Khánh Trung A, Phú Mỹ và Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc. Giống cụ thể được bảo hộ là sầu riêng Ri6 và sầu riêng Monthong. Với quyết định này, sầu riêng Cái Mơn được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam kể từ ngày ký.
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng - (baodongkhoi.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)